Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà

17/10/2018 - 07:06

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 248 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Kết luận số 248), nhận thức cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể đã nghiêm túc cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, đề án, kế hoạch cụ thể để thực hiện, định kỳ kiểm tra, giám sát có sơ kết, rút kinh nghiệm. Hàng năm, các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đội ngũ lao động ở Công ty may mặc tại Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành).

Thực hiện các đề án, kế hoạch

Qua 3 năm thực hiện Kết luận số 248, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên về nhiều mặt, trên nhiều lĩnh vực. Nhân lực có tay nghề từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng làm việc, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nâng lên cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua 3 năm có gần 101 ngàn cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động đã được đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 50,68% ở năm 2015 lên 56% vào năm 2018, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 25% vào năm 2015 lên 28% vào năm 2018.

Các cơ sở dạy nghề được đầu tư nâng cấp và từng bước đổi mới chương trình dạy nghề sát với thực tiễn, đáp ứng một phần nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ cho doanh nghiệp và thị trường lao động. Qua thực hiện Kết luận số 248, đến nay có 57.518 lao động, sinh viên được đào tạo, bồi dưỡng; cơ cấu lao động qua đào tạo tại 3 khu vực cân đối và phù hợp hơn so với giai đoạn 2011 - 2015. Sau đào tạo, bồi dưỡng, tỷ lệ lao động có việc làm của Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre và Cao đẳng Đồng Khởi đạt trên 90%, Cao đẳng Bến Tre đạt trên 50%, trong đó việc làm ổn định đối với nhóm ngành kỹ thuật chiếm tỷ lệ khá cao với hơn 70%, các nhóm ngành kế toán, quản trị kinh doanh, y tế thì giải quyết việc làm còn khó khăn và không ổn định.

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Kết luận số 248 mà Tỉnh ủy đặt ra hàng đầu là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục xem hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC là giải pháp quan trọng trong nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCCVC, trong đó tập trung đào tạo nâng cao trình độ sau đại học cho đội ngũ CBCCVC một số ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật đầu đàn, đúng với khung năng lực chức danh và vị trí việc làm.

Theo Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Đặng Ngọc Anh, tỉnh cần có chính sách mới để thu hút nguồn nhân lực hiệu quả và phù hợp với tỉnh. Tỉnh có thể nghiên cứu việc tìm kiếm các sinh viên đang học ở những ngành nghề mà tỉnh cần tại các trường đại học chính quy, có chất lượng đào tạo tốt và sau đó có các chính sách để thu hút các em sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường quay về tỉnh làm việc. Mặc khác, tỉnh có thể cử tuyển để đào tạo những ngành đang thiếu, như nông nghiệp, kỹ thuật. Trong đào tạo nguồn lao động, cần có sự liên kết các trường nghề trong tỉnh để đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của tỉnh.

Để nâng cao tính hiệu quả, chất lượng trong đào tạo CBCCVC, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Trúc Hạnh cho rằng, tỉnh cần rà soát, đánh giá lại kết quả đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là việc đào tạo trình độ chuyên môn có phù hợp với vị trí việc làm hay chưa. Bên cạnh đó, cần xem lại tư cách pháp nhân, chất lượng đào tạo của Sở Nội vụ trong việc phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng cho chuyên viên, chuyên viên chính, tập huấn cho trưởng ấp… góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang là yêu cầu bức thiết trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp, nhất là trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa như hiện nay. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN