Tiếp tục duy trì kết quả, tác động của Dự án AMD

20/01/2020 - 15:19

BDK - Dự án (DA) Thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre được chính thức phê duyệt qua Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) ngày 28-3-2014, dự kiến kết thúc vào năm 2020. DA xây dựng mô hình thích ứng, hỗ trợ hộ nghèo, nông dân tại 30 xã của 8 huyện gồm: Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Ðại và Châu Thành. Nhân đầu xuân mới 2020, phóng viên Báo Ðồng Khởi có cuộc phỏng vấn ngắn Giám đốc DA AMD Bến Tre Nguyễn Khắc Hân về hoạt động của DA.

Ðoàn chuyên gia Dự án IFAD làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Ảnh: Hữu Hiệp

Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả hoạt động của Dự án AMD Bến Tre trong năm 2019 vừa qua?

Giám đốc DA AMD Bến Tre Nguyễn Khắc Hân: Từ đầu năm 2019, PCU Bến Tre đã sớm thực hiện công tác chuẩn bị để triển khai kế hoạch công tác và ngân sách năm 2019 đạt kết quả tốt và hướng đến các đối tượng hưởng lợi của DA. Giao kế hoạch và vốn thực hiện hoạt động cụ thể gắn với từng kết quả đầu ra cho các đơn vị thực hiện DA cấp tỉnh, UBND 8 huyện và 30 xã DA. Các hoạt động của DA được tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là 4 nguồn Quỹ đầu tư của DA như: Quỹ tín dụng của phụ nữ, Quỹ đồng tài trợ (CFAF), Quỹ PPP, Quỹ CIF. Với hỗ trợ vốn từ các quỹ đầu tư tạo sinh kế bền vững (WDF, CIF, CFAF và PPP) đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp (DN), tác động tích cực đến chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

DA ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phù hợp với BÐKH, phát triễn chuỗi giá trị. Trong đó, các tuyến đường giao thông, đê bao kết hợp được đầu tư đã tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa cũng như nông sản vùng DA, từ đó khuyến khích người dân, DN mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động chuỗi giá trị với sự tham gia của các tác nhân liên quan đã được thực hành ngày càng rõ nét hơn trong các hoạt động DA, các mô hình trình diễn, các quỹ đầu tư, nhất là Quỹ CFAF và lồng ghép chặt chẽ với Quỹ PPP tạo hiệu ứng về xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản trong toàn tỉnh.

Nhìn chung, các hoạt động của DA được tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay từ đầu năm, đáng chú ý nhất là tiến độ hoạt động đầu tư hệ thống quan trắc đã có cải thiện khá tốt và UBND tỉnh đã linh hoạt cho tạm ứng ngân sách tỉnh (33 tỷ đồng) để DA thực hiện thanh toán trong thời gian chờ phân bổ kế hoạch vốn năm 2019.

Ông cho biết những kết quả quan trọng nhất của DA trong năm vừa qua?

Kết quả quan trọng nhất trong năm 2019 là đã thực hiện 51 mô hình thích ứng với BÐKH với 466 người tham gia, trong đó có 47 mô hình đã kết thúc và nhân rộng cho 863 hộ.

Tập trung phát triển 8 chuỗi giá trị nông sản cấp tỉnh và 10 chuỗi giá trị cấp huyện bằng việc ứng dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm: bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển của tỉnh; tổ chức kết nối thị trường sản phẩm nông sản và đặc sản giữa các vùng miền, hỗ trợ kỹ thuật đánh giá và cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho một số nông sản chủ lực của huyện, tỉnh và tổ chức hội thảo, truyền thông chia sẻ các giải pháp phát triển nông nghiệp 4.0 thích ứng BÐKH.

Ðến nay, 164 xã, phường, thị trấn đã lập SEDP cấp xã có tính đến yếu tố BÐKH. 9/9 huyện, thành phố lập SEDP cấp huyện có tính đến yếu tố BÐKH. Thành lập mới 1.410 nhóm tín dụng tiết kiệm với 5.550 thành viên, trong đó có 1.957 thành viên hộ nghèo, 4.910 thành viên nữ.

Quỹ đồng tài trợ CFAF: Có 641 tiểu DA đã được tài trợ thực hiện (309 tiểu DA hộ, 332 tiểu DA tổ/nhóm) được phê duyệt nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư sinh kế phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay của người dân vùng DA, giúp tạo việc làm và giảm nghèo với 4.710 người hưởng lợi, trong đó có 2.314 nữ, 3.353 nghèo.

Quỹ hợp tác công - tư PPP: Ðã có 24 DA được IFAD phê duyệt theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực: dừa hữu cơ, chỉ xơ dừa, chế biến dừa, kiểng lá, mây tre lá, may lều du lịch, tiêu thụ heo, chế biến thủy sản, sản xuất nấm bào ngư, sơ chế tôm biển... Thông qua các tiểu DA đã thu hút 5.080 hộ tham gia và hưởng lợi. Trong số này có 1.329 hộ nghèo, 2.442 hộ tham gia cung ứng nguyên liệu và tạo ra 1.716 việc làm.

Quỹ hạ tầng thích ứng CIF gắn với phát triển chuỗi giá trị: Ðến nay đã có 55 công trình hoàn thành, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã hỗ trợ hoàn thiện kết cấu hạ tầng giảm thiểu tác động của BÐKH tại các xã DA. Ðang tiếp tục triển khai các thủ tục thi công 14 công trình hạ tầng thích ứng với BÐKH được phê duyệt bổ sung năm 2019.

Giải pháp để hoàn thành dự án trong năm 2020 và duy trì kết quả, tác động của DA trong thời gian tới?

Năm 2020 là năm cuối của DA, trọng tâm của năm là tăng tốc giải ngân và phấn đấu thực hiện hiệu quả các hoạt động tạo sinh kế cho người dân trong điều kiện ảnh hưởng của BÐKH, góp phần thực hiện đạt mục tiêu, kết quả đầu ra theo Hiệp định điều chỉnh được phê duyệt; trong đó triển khai một số giải pháp cụ thể:

Ðiều chỉnh hoạt động và ngân sách tập trung vào xây dựng năng lực thích ứng trong dài hạn và triển khai có hiệu quả các nguồn quỹ đầu tư của DA.

Lồng ghép và liên kết các nguồn lực để nhân rộng sinh kế hiệu quả và đầu tư hạ tầng thích ứng BÐKH; trong đó, ưu tiên thực hiện đầu tư, hỗ trợ các hoạt động sinh kế theo hệ thống canh tác nông nghiệp thích ứng với BÐKH, phù hợp điều kiện năng lực của nông dân nghèo và đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển chuỗi giá trị nông sản, chuỗi ngành hàng.

Thúc đẩy sự tham gia của người nghèo, của phụ nữ bằng các hoạt động hỗ trợ tích cực, thay đổi cách tiếp cận các nguồn vốn và nhân rộng quỹ xoay vòng trong thực hiện sinh kế.

Thực hiện phân cấp nguồn lực nhiều hơn, mạnh hơn cho cấp xã nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể địa phương và nhân rộng mô hình sinh kế DN - nông dân dạy nông dân, phụ nữ hỗ trợ phụ nữ.

Ðối với các đơn vị thực hiện DA cấp tỉnh, chú trọng các sở, ngành tỉnh sẽ tiếp nhận các mảng, lĩnh vực hoạt động của DA để có phân cấp kinh phí hợp lý và chuẩn bị tốt hơn chiến lược rút lui của DA.

Ðề xuất đầu tư DA mới giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được từ DA AMD Bến Tre trong mục tiêu giảm nghèo đa chiều hướng tới phát triển bền vững cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn nghèo của tỉnh trong điều kiện tác động của BÐKH ngày càng nghiêm trọng hơn.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN