Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp

20/09/2019 - 13:15

BDK - Trong 19 tiêu chí (TC) xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thì TC số 13 về tổ chức sản xuất là TC vô cùng quan trọng, có tác động trực tiếp đến kinh tế, đời sống của người dân. Hơn 10 năm xây dựng NTM, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức lại sản xuất sao cho thật sự có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp

Phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn

Nâng cao chuỗi giá trị nông sản

Trong xây dựng NTM, tổ chức sản xuất được xem là một trong những TC cốt lõi, nền tảng và cũng là nhiệm vụ rất quan trọng góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân, cải thiện bộ mặt nông thôn. Qua việc tổ chức lại sản xuất, từ kinh tế hộ gia đình rồi phát triển lên trang trại, kinh tế tập thể như tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đã làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc hơn. Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã xác định “Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường; gắn phát triển nông nghiệp với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn”, đã mở ra giai đoạn chuyển biến tích cực về đổi mới hình thức tổ chức sản xuất.

Tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Qua đó, mỗi địa phương chọn lựa, xác định các loại hình sản xuất là thế mạnh của địa phương, phù hợp với đề án để vận động người dân thực hiện. Đồng thời, chú trọng thành lập THT, HTX để tổ chức sản xuất đại diện cho người dân trong mối liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nhằm mục đích cuối cùng là giúp cho người dân sản xuất với chi phí thấp hơn, bán được sản phẩm với giá hợp lý, có lãi. Thời gian qua, kinh tế tập thể có sự chuyển mình rõ nét cả về loại hình HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê gần đây cho thấy, nếu như cuối năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 17 HTX, 430 THT lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (trong đó, có 6 HTX, 77 THT hoạt động có hiệu quả) thì đến nay, số lượng HTX trong lĩnh vực nông nghiệp toàn tỉnh là 96, 840 THT (hoạt động theo Nghị định số 151 của Chính phủ).

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phan Chánh Thi, các HTX trên địa bàn tỉnh thời gian qua hoạt động tương đối ổn định, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng mối liên kết, hợp tác phát triển kinh tế hộ gia đình và chung tay xây dựng NTM. Một số HTX bước đầu đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Phấn đấu năm 2020 có 130 HTX

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết, thời gian qua, sở đã tham mưu triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như xây dựng mô hình phát triển sản xuất gắn với hỗ trợ lãi suất cho các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Sở đã xây dựng 123 mô hình với tổng chi phí trên 20 tỷ đồng trên địa bàn 64 xã. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất cho khoảng 4.364 hộ của 598 lượt THT, HTX, các làng nghề được tiếp cận nguồn vốn hơn 8,164 tỷ đồng, trên tổng dư nợ là 143 tỷ đồng. Việc hỗ trợ lãi suất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho người dân địa phương.

Các mô hình liên kết sản xuất khẳng định hướng đi đúng, nâng cao thu nhập cho người dân, được xây dựng trên từng vùng, địa phương phù hợp điều kiện và đạt kết quả khả quan. Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, liên kết sản xuất từng bước phát huy hiệu quả. Người dân đã nhận thức được sự hợp tác, liên kết để thực hiện dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế khâu trung gian.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có nhiều chuyển biến tích cực. Đã hình thành và phát triển mạnh một số mô hình liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nhiều doanh nghiệp chủ động nguồn vốn, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp của tỉnh như: Tập đoàn Lộc Trời, Vingroup, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây. Hình thành và phát triển trang trại là hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả nhất với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 184 trang trại thì hiện nay tăng lên 306 trang trại sản xuất nông nghiệp, doanh thu bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm.

So với mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện TC số 13 về tổ chức sản xuất trên địa bàn đến năm 2020 có 34% xã đạt TC số 13. Hiện nay, toàn tỉnh có 46 xã được công nhận đạt TC này, chiếm tỷ lệ 31,29%.

Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp cần được xem là một trong những mục tiêu quan trọng. Do vậy, tỉnh cần có chủ trương khuyến khích đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhằm xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 130 HTX, đạt chỉ tiêu Trung ương giao.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Bài, ảnh: Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN