Tiếp tục chủ động trong phòng, chống ứng phó hạn mặn, sạt lở, triều cường

16/02/2024 - 13:44

BDK.VN - Ngày 16-2-2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh chủ trì cuộc họp nghe sở, ngành hữu quan và UBND các huyện, thành phố báo cáo công tác phòng, chống ứng phó hạn mặn, sạt lở, triều cường.

Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Đặng Hoàng Lam thông tin tình hình xâm nhập mặn.

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, dự báo thủy văn và xâm nhập mặn từ ngày 15-2 đến tháng 6-2024, khu vực Bến Tre mực nước dao động theo triều. Mực nước đỉnh triều cao nhất trong các đợt triều cường có xu thế xuống nhanh trong tháng 3, xuống dần và ít biến đổi trong tháng 4, xuống dần trong tháng 5, tháng 6-2024.

Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 3-2024. Độ mặn 4‰: Sông Cửa Đại: 50km (Cồn Tân Vinh, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành). Sông Hàm Luông: 69km (ấp Phú Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành; ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách). Sông Cổ Chiên: 62km (ấp Thanh Yên, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách). Độ mặn 1‰: Sông Cửa Đại: 64 - 76km (Phú Túc, Tân Phú, huyện Châu Thành) do kết hợp mặn từ sông Hàm Luông. Sông Hàm Luông: 79km (ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách). Sông Cổ Chiên: 77km (ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý 32 nhà máy nước, trong đó vận hành cấp nước 27 nhà máy, 5 nhà máy nước đã thực hiện hoà mạng. Các nhà máy nước lấy nguồn nước thô từ hệ thống công trình thuỷ lợi (khoảng 10 nhà máy) có độ mặn tương đối ổn định theo vận hành của hệ thống công trình. Các nhà máy nước còn lại độ mặn tăng, giảm theo độ mặn trên sông rạch.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác, vận hành của các nhà máy nước do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý là: Nguồn nước cấp chủ yếu nằm trong hệ thống công trình thuỷ lợi và từ sông, rạch tự nhiên. Tuy nhiên, do hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh chưa được khép kín nên gây ảnh hưởng đến khu vực lấy nước của các nhà máy nước dẫn đến độ mặn tăng cao theo diễn biến xâm nhập mặn. Phạm vi cấp nước của các nhà máy rộng, dàn trãi tại các khu vực nông thôn, dân cư ít tập trung dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước (tập trung hoàn thành Tiêu chí số 17.1 trong xây dựng xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; áp lực nước tại một số khu vực đôi lúc còn yếu; việc cấp nước qua hệ thống RO còn hạn chế;...). 

Công ty cổ phần cấp thoát nước Mỏ Cày (thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam) độ mặn dao động từ 0,1 - 0,7‰. Công ty có phương án nâng công suất trạm bơm nước thô, khảo sát đắp đập tạm ngăn mặn cục bộ và có phương án thuê sà lan vận chuyển nước ngọt thô về xử lý.

Công ty TNHH MTV Thanh Loan (xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú) độ mặn dao động 0,5 - 3,5‰. Về ngắn hạn, công ty có phương án lập trạm bơm nước thô tại ấp Phong, xã Tân Phong để dẫn nước từ trục kênh Phụ Nữ về xử lý. Về lâu dài, công ty sẵn sàng kết nối vào mạng của các dự án như cấp nước khu vục Cù Lao Minh, dự án DNP để cấp nước ngọt vào những tháng bị xâm nhập mặn.

DNTN Tâm Ngân (xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) độ mặn dao động 0,1 - 1,3‰. Doanh nghiệp có phương án gia cố các cửa cống tránh rò rỉ nước mặn và dự kiến lắp đặt trạm bơm dự phòng khi xâm nhập mặn tăng cao.

Công ty CP SX&TM N.I.D: Nhà máy nước Kênh Lấp (xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri) độ mặn dao động từ 0,52 - 0,76‰. Nhà máy nước Ba Lai (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại) độ mặn dao động từ 0,44 - 1,25‰. Đề xuất xây dựng cống đầu hồ chứa Kênh Lấp để phục vụ tiêu thoát nước cho khu vực hồ chứa nước Kênh Lấp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân khi độ mặn trên các sông xuống thấp lấy nước bổ sung vào trữ các ao hồ. Khi đóng cống, người dân, cơ sở sản xuất quan tâm bảo vệ môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đánh giá cao việc các ngành chức năng, địa phương đã chủ động trong phòng, chống hạn mặn năm 2023-2024. Trước diễn biến hạn mặn như hiện nay cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm diễn biến hạn mặn. Các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi, kịp thời báo cáo đề xuất phòng, chống xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động phương án, kịp thời hỗ trợ địa phương trong phòng, chống khắc phục thiên tai.

Các địa phương có kế hoạch gia cố đê bao, các điểm xung yếu. Các công ty, nhà máy cấp nước có kế hoạch; vận hành hệ thống RO đảm bảo cung cấp nước ngọt cho người dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất, sinh hoạt. Vận động người dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm.

Thống nhất đề xuất đắp đập chặn hai nhánh sông để cung cấp nước cho trạm bơm Cái Cỏ (xã Quới Thành, huyện Châu Thành). Do nguồn nước ngọt từ trạm bơm Cái Cỏ và nhà máy nước Thành Triệu cung cấp cho các công ty ở hai khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long.

Các nhà máy nước nông thôn cần có giải pháp, san sẻ, điều tiết để có nước ngọt cung cấp cho người dân. Việc cho vận hành các cống phải linh hoạt; tránh ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường. UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai, có giải pháp trong phòng, chống hạn mặn, triều cường, sạt lở...

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN