Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:

Tích cực tham gia phòng chống hạn mặn và dịch Covid-19

22/05/2020 - 08:00

BDK - Hạn mặn và dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với người dân tỉnh nhà bằng tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp. Trong đó, MTTQ Việt Nam tỉnh có vai trò quan trọng, là đầu mối tiếp nhận, phân phối vật tư, thực phẩm đến người dân kịp thời, đúng đối tượng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Đảnh cho biết:

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Đảnh trao bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng chống hạn mặn. Ảnh: H. Hiệp

- Mùa khô năm nay, mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài gây thiệt hại lớn đến kinh tế, đời sống người dân. Trước tình hình đó, MTTQ Việt Nam tỉnh được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ phối hợp phát động vận động, làm đầu mối tiếp nhận, phân phối các nguồn lực hỗ trợ khắc phục hạn mặn và phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức chương trình phát động nhân dân thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn; kêu gọi MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chủ động ứng phó với hạn mặn, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ.

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo hệ thống Mặt trận tổ chức công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, kết hợp kêu gọi, tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.

* Một số kết quả trong công tác vận động khắc phục hạn mặn?

- Trước hết là tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã được gắn kết, phát huy mạnh mẽ. Có rất nhiều mô hình san sẻ nguồn nước giúp cho người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các gia đình chính sách khó khăn, người nghèo có nước ngọt sử dụng cũng như các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày trong đợt hạn mặn này.

Thứ hai là sự quan tâm chia sẻ rất nghĩa tình, kịp thời, không ngại khó (giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, khó lường) ủng hộ khắc phục hạn mặn của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, nhóm thiện nguyện, các cơ quan truyền thông, văn nghệ sĩ, các cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đến nay, có trên 1.000 tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực khắc phục hạn mặn, với tổng kinh phí quy ra thành tiền gần 100 tỷ đồng. Trong đó, riêng MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận sự ủng hộ của gần 100 tổ chức, cá nhân, với tổng giá trị quy thành tiền trên 30 tỷ đồng (trong đó tiền mặt trên 15 tỷ đồng).

Thứ ba là vai trò lãnh đạo định hướng sâu sát của cấp ủy Đảng, sự phối hợp trách nhiệm của UBND và các tổ chức thành viên đã hỗ trợ MTTQ Việt Nam các cấp thể hiện tốt vai trò chủ động trong thực hiện như: tham mưu tốt cho cấp ủy, phối hợp tốt với chính quyền và các ngành liên quan; thực hiện tốt vai trò vận động, đầu mối tiếp nhận, phân phối kịp thời các nguồn lực hỗ trợ.

Ngoài ra còn có sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo và các tầng lớp nhân dân.

* Từ các hoạt động, MTTQ Việt Nam tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì?

- Đó là MTTQ Việt Nam các cấp cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kêu gọi tạo sự đồng thuận trong xã hội; chia sẻ yêu thương, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện đến xã và toàn thể nhân dân. Đặc biệt là vai trò tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn là hết sức cần thiết.

Đầu tư lắp đặt hệ thống trạm quan trắc tự động để theo dõi và cảnh báo sớm. Quan tâm cảnh báo, dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn dài hạn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh bị động; đồng thời, phải bố trí lịch thời vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong điều kiện hạn mặn. Từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng, hiện đại, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt.

Tập trung nâng cao nhận thức, năng lực của người dân trong phòng chống, ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn thông qua tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Phát huy tính sáng tạo trong nhân dân, nhân rộng các mô hình hay; khuyến khích người dân tự trang bị máy đo độ mặn để theo dõi diễn biến mặn và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Nâng cao tính chủ động, tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa. Huy động tối đa các nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng công trình phòng chống hạn mặn.

* Những nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới?

- MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục vận động nguồn lực hỗ trợ khắc phục hạn mặn và khôi phục vườn cây ăn trái sau hạn mặn. Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, kêu gọi sự đồng thuận trong xã hội, chia sẻ, giúp đỡ để hỗ trợ người dân vươn lên trong cuộc sống. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ nhân dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, tuyên truyền để nhân dân thay đổi tâm thế, tư duy sản xuất thích ứng với sự biến đổi khí hậu với tinh thần tự lực tự cường vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

* Xin cảm ơn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh!

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN