Tích cực giảm thiểu rác thải nhựa trong cộng đồng

19/02/2020 - 07:30

BDK - Để lan tỏa ý thức chống rác thải nhựa đến cộng đồng dân cư cần phải có thời gian. Song nhiều người đã có nhận thức và hành động tích cực từ việc giảm dần và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy, túi nylon.

Các tiểu thương đã quan tâm sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Quyết liệt vào cuộc

Hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã vào cuộc quyết liệt. Nổi bật một số đơn vị đã áp dụng sử dụng nước trà hoặc thay chai nước suối hay bằng loại nước được đóng chai bằng giấy để hạn chế rác nhựa.

Là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã loại chai nhựa ra khỏi cuộc họp, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, sở khuyến khích nhân viên của đơn vị thay thế các chai nước uống có vỏ nhựa dùng một lần bằng chai có vỏ sử dụng được nhiều lần, hay bình inox.

Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Võ Văn Ngoan đánh giá: “Khi tuyên truyền, vận động mọi người có ý thức chấp hành, đã hạn chế tối đa các vật dụng sử dụng 1 lần trong cơ quan. Việc làm này phần nào giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường cũng như tạo thành thói quen hạn chế sử dụng vật dụng bằng nhựa khó phân hủy tại gia đình”.

Trong cộng đồng, một bộ phận giới trẻ cùng nhiều hộ gia đình đã chuyển sang dùng các vật liệu thân thiện với môi trường như: ống hút giấy, ống hút gạo, ống hút dừa để hưởng ứng phong trào này. Bộ phận nhân viên văn phòng bắt đầu mang bình nước bằng thủy tinh, inox để góp phần hạn chế các chai nước suối nhựa thải ra môi trường.

Với vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiểu biết của cán bộ, hội viên, phụ nữ về giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như hạn chế sử dụng rác thải nhựa.

Tại TP. Bến Tre, các chi hội, tổ hội phụ nữ đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại hộ gia đình. “Đến nay, nhiều gia đình đã quan tâm thu gom đồ nhựa để bán phế liệu hoặc cho người thu gom rác, chứ không còn vứt bỏ bừa bãi như trước”, Phó chủ tịch Hội LHPN phường Phú Khương, TP. Bến Tre Dương Kim Huệ cho biết.

Trong năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đến toàn trường từ giáo viên đến học sinh việc sử dụng các đồ dùng có thể tái sử dụng nhiều lần để bảo vệ môi trường. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, trường đều có các buổi nói chuyện về tác hại của rác thải nhựa. Đến nay, hầu hết các trường nghiêm túc thực hiện. Nhiều học sinh thay chai nước nhựa dùng một lần bằng bình inox, ly thủy tinh; đổi thói quen dùng hộp xốp, hộp nhựa đựng thức ăn bằng cặp lồng inox; không dùng ống hút nhựa…

Phát triển bền vững

Để giải quyết các vấn đề môi trường về rác thải nhựa, ngày 3-2-2020, UBND tỉnh ra Quyết định số 03 về việc ban hành Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre (đề án) để làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện và triển khai các nhiệm vụ; ưu tiên để tăng cường công tác quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định pháp luật. Quyết định có hiệu lực từ ngày 14-2-2020.

Theo đó, tỉnh đã xác định đến năm 2025, có 18 nhiệm vụ, dự án ưu tiên triển khai. Cụ thể, xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách; xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác các huyện, xã; đầu tư xây dựng mới khu xử lý rác thải; xây dựng trạm trung chuyển rác; hỗ trợ thiết bị, phương tiện vận chuyển, thu gom và xử lý rác… Tổng kinh phí dự kiến 444,7 tỷ đồng, trong đó, chi phí bù giá nhà nước hỗ trợ trả cho các đơn vị thực hiện xử lý rác thải dự kiến khoảng 150 tỷ đồng/5 năm. Trường hợp có tăng giá dịch vụ sẽ thực hiện theo lộ trình 2 năm thực hiện một lần, mỗi lần tăng 30%.

Định hướng đến năm 2030, ưu tiên xây dựng 1 khu liên hợp xử lý rác thải tập trung, xử lý rác thải cho toàn tỉnh với hình thức kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Mục tiêu chung của đề án là định hướng phát triển bền vững, đạt được 3 nhân tố phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; xây dựng tỉnh với môi trường xanh - sạch - đẹp.

“Việc nói không với đồ nhựa dùng một lần được xem là giải pháp tích cực, không chỉ tiết kiệm kinh phí mà còn góp phần loại dần rác thải nhựa khỏi cuộc sống. Do đó, để phong trào chống rác thải nhựa mang lại hiệu quả bền vững, lan tỏa đến nhiều người dân thì các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh với hình thức phù hợp, đa dạng”, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Võ Văn Ngoan nhấn mạnh.

Để thực hiện đề án hiệu quả, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Hướng dẫn áp dụng các cơ chế khuyến khích, xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách vào các công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ thân thiện môi trường…

(Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Võ Văn Ngoan)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN