Thực trạng di tích tỉnh Bến Tre

19/12/2022 - 20:40

BDK.VN - Thực hiện công tác bảo tồn di sản; Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích (DT) trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020 và Danh mục kiểm kê DT trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tính đến thời điểm hiện tại, Bến Tre có 2 DT quốc gia đặc biệt, 16 DT quốc gia và 60 DT cấp tỉnh được xếp hạng và 42 công trình, địa điểm được đưa vào danh mục bảo tồn.

Hội đồng Khoa học thẩm định hồ sơ di tích khảo sát đình An Bình Đông (thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri) để đề nghị di tích cấp tỉnh.

Thực trạng các di tích trên địa bàn tỉnh

Trong đó huyện Ba Tri có 14 DT (1 quốc gia đặc biệt, 3 quốc gia, 10 cấp tỉnh), huyện Mỏ Cày Nam có 8 DT (1 quốc gia đặc biệt, 1 quốc gia, 6 cấp tỉnh), huyện Giồng Trôm có 12 DT (4 quốc gia, 8 cấp tỉnh), huyện Châu Thành có 6 DT (2 quốc gia, 4 cấp tỉnh), huyện Thạnh Phú có 10 DT (2 quốc gia, 8 cấp tỉnh), huyện Mỏ Cày Bắc có 6 DT (1 quốc gia, 5 cấp tỉnh), huyện Bình Đại có 14 DT (2 quốc gia, 12 cấp tỉnh), TP. Bến Tre có 7 DT (1 quốc gia, 6 cấp tỉnh), huyện Chợ Lách có 1 DT cấp tỉnh. DT tỉnh Bến Tre đa dạng về loại hình như lịch sử, kiến trúc nghệ thuật… trong đó 2 DT quốc gia đặc biệt thuộc loại hình lịch sử, trong 16 DT quốc gia có 7 DT thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, còn lại 9 DT là DT lịch sử (lưu niệm danh nhân, địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử). DT cấp tỉnh có 23 DT kiến trúc nghệ thuật, 37 DT lịch sử (lưu niệm danh nhân, địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử).

Qua khảo sát các DT trên địa bàn tỉnh, tình trạng xuống cấp nhiều nhất là các DT thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật. Trong đó, điển hình có đình Phú Lễ, đình Long Phụng, đình Tiên Thuỷ... Qua khảo sát các DT trên địa bàn tỉnh, quá trình trùng tu, tôn tạo bảo đảm giữ nguyên yếu tố cấu thành DT như: đình Tiên Thủy, đình Bình Hòa, nhà cổ Huỳnh Phủ... Ngoài ra, việc đánh giá niên đại DT được dựa trên tư liệu chạm khắc trực tiếp trên kiến trúc như: Ở đòn dông, cột, kèo, hoành phi, liễn đối hoặc sơn lại trên tường hoặc dựa vào di vật, tầng văn hóa, phong cách nghệ thuật kiến trúc và hoa văn trang trí, cũng như những dấu vết chạm khắc trang trí sớm nhất hiện còn trên kiến trúc.

Mặc dù các công trình kiến trúc nghệ thuật đều đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, song qua những di vật, cổ vật và những thành phần kiến trúc còn lại đến ngày nay đã chỉ ra niên đại của các DT. Đình Phú Lễ 1826, đình Tiên Thuỷ 1896, đình Long Thạnh 1830, Đình Long Phụng 1833… Trong các DT được khảo sát tại tỉnh Bến Tre còn giữ được một số di vật có giá trị như: sắc phong, bia đá, hoành phi… có giá trị như: bia đá DT Mộ Võ Trường Toản; sắc phong, hoành phi ở các ngôi đình.

Bến Tre hiện có 4 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gồm: Hát sắc bùa Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại), Bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm), Bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm).

Từ trước đến nay, theo quan niệm của người dân Việt Nam nói chung, việc chọn hướng, vị thế cho một công trình kiến trúc, đặc biệt đối với các DT là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là một việc làm hết sức quan trọng và tuân theo một quy tắc nhất định. Bên cạnh thế đất, điều được người dân quan tâm đến nữa là việc chọn hướng. Hướng là yếu tố liên quan đến sự hưng, vong của cả cộng đồng. Nếu chọn hướng tốt mới có sự linh ứng của thần linh, từ đó mới được thần ban lộc, phù hộ, che chở cho cuộc sống của người dân được thịnh vượng, no ấm.

Mặt bằng tổng thể DT là một trong những thành tố quan trọng để xác định niên đại, phong cách kiến trúc và quy mô, diện tích của một công trình. Ở Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử bố cục mặt bằng tổng thể của DT cũng có những thay đổi nhất định và thường tập trung ở một số kiến trúc cơ bản như: Chữ Nhất (一), chữ Nhị (二), chữ Đinh (丁), chữ Công (工), chữ Tam (三), ...

Giá trị nghệ thuật trong mỗi công trình kiến trúc

Các DT kiến trúc nghệ thuật ở Bến Tre phổ biến là kiểu mặt bằng chữ “Đinh”, chữ “Nhất”, chữ “Tam”, ... Kiến trúc cổ truyền Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ như: Nhà gỗ truyền thống Việt Nam kết hợp với những vật liệu bổ trợ khác như: Gạch, đá, gỗ, ngói... để tạo dựng nên công trình. Các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng được dựng lên bằng hệ khung gỗ như những kiến trúc dân gian truyền thống khác của Việt Nam.

Công trình nơi sinh ra và lớn lên của bà Nguyễn Thị Định được đề nghị đưa vào danh mục kiểm kê, bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về nghệ thuật trang trí, điêu khắc, các chi tiết thường chỉ tập trung ở một số DT có niên đại nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những điêu khắc, trang trí có giá trị nhất đều tập trung ở các DT được xếp hạng DT quốc gia. Huyện Châu Thành còn giữ được nhiều ngôi đình có những tác phẩm điêu khắc trang trí đẹp nhất như: đình Tiên Thuỷ, đình Tân Thạch. Ngoài ra, ở huyện Thạnh Phú cũng còn giữ được một số mảng chạm khắc cổ đề tài Nhị thập tứ hiếu ở nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm)…

Bến Tre là địa phương có DT gắn với những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc như Đồng Khởi năm 1960. Bến Tre là quê hương, nơi sinh sống, gắn bó của nhiều danh nhân văn hoá, các nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ cách mạng yêu nước như: Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống... Bên cạnh đó, trên mảnh đất Bến Tre còn có tiềm năng và giá trị to lớn về khảo cổ học. Năm 2003, giới khảo cổ học đã phát hiện nhiều đồ đá, đồ gốm, đồ xương, kim loại... có niên đại 2500 năm đến 2000 năm cách ngày nay ở di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi (ấp Bình Thành, xã Bình Phú, TP. Bến Tre). Qua nghiên cứu, di chỉ này thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại sắt. Ngoài ra, Bến Tre còn có DT kiến trúc cổ An Phong (xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam)...

Việc quản lý DT thực hiện theo Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 4-9-2014 của UBND tỉnh Bến Tre Quy định phân cấp quản lý DT lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1912/QĐ-UBND ngày 12-8-2021 quyết định về việc thành lập Bảo tàng Bến Tre trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, sáp nhập Ban Quản lý DT về đơn vị Bảo tàng Bến Tre kể từ ngày 1-11-2021, nhân sự làm việc tại các DT theo phân cấp do Bảo tàng Bến Tre thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thành phố quản lý.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành thực hiện khảo sát, kiểm kê các DT lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã tổng hợp, lấy ý kiến góp ý từ các huyện, thành phố và đã hoàn thành Danh mục kiểm kê, bảo quản, tu bổ, phục hồi DT lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn năm 2030, tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định phê duyệt Danh mục trong năm 2022.

Bài, ảnh: Hoàng Huấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN