Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

25/07/2018 - 07:13

BDK - Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bước đầu đạt một số kết quả nhất định.

Du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) ngày càng thu hút du khách.

Cụ thể hóa nghị quyết

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao nhận thức và định hướng giải pháp phát triển du lịch tỉnh theo Nghị quyết số 08. Tổ chức hội nghị trực tuyến của tỉnh và các huyện, thành phố. Hội nghị tuyên truyền phổ biến, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực du lịch; triển khai bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, nâng cao hơn nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh du lịch tỉnh; tuyên truyền Đồng khởi khởi nghiệp trong du lịch; in và phát hành bộ tài liệu quản lý nhà nước về du lịch. Sở cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy, ban hành bộ thủ tục hành chính lĩnh vực du lịch để hướng dẫn doanh nghiệp. Kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển du lịch, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.

Ngoài ra, đã tổ chức hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh. Tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo về xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và văn hóa ứng xử trong du lịch, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố xây dựng thông tin chi tiết các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư. Dự thảo các văn bản về quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh và chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư về hoạt động du lịch và hỗ trợ cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng.

 Từ khi có Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 4573 của UBND tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các huyện, thành phố đã triển khai cụ thể hóa chương trình, kế hoạch để thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng kể. Đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến các ngành, đoàn thể, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn. Châu Thành, Thạnh Phú đã tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa - Du lịch của huyện để xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư du lịch tại địa phương, qua đó thu hút được sự hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch và cộng đồng dân cư.

TP. Bến Tre đã tổ chức liên kết phát triển du lịch với Hiệp hội Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Huyện Bình Đại xây dựng mới sản phẩm du lịch tâm linh chùa Vạn Phước, kêu gọi đầu tư khu du lịch thể thao sinh thái cộng đồng xã Phú Long. Huyện Mỏ Cày Bắc xây dựng tuyến du lịch Thanh Tân - Thạnh Ngãi - Phú Mỹ. Huyện Mỏ Cày Nam kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở cồn Thành Long. Huyện Chợ Lách tổ chức lễ hội cây trái ngon, an toàn kết hợp du lịch miệt vườn sông nước. Huyện Châu Thành củng cố các điểm du lịch các xã ven sông Tiền, tập trung phát triển ổn định các điểm du lịch sinh thái ở Tân Phú. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đạt 837 ngàn lượt, tăng 30%. Trong đó, khách quốc tế tăng 30,6%, khách nội địa tăng 29,6%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 676 tỷ đồng, tăng 26,5%.

Phấn đấu khách du lịch tăng 22 - 25%/năm

 Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nghị quyết số 08 ra đời cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển du lịch, là tiền đề để tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó, lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch trung bình tăng trên 22%. Nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn, mới lạ diễn ra như Hội chợ thương mại, Tuần lễ Văn hóa - Du lịch. Một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch như Lan Vương, Phú An Khang, Làng Bè, Cồn Phụng, Cồn Bửng… đã quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng cơ sở kinh doanh, tổ chức nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới đưa vào khai thác thu hút khách trong và ngoài nước.

Sự liên kết trong phát triển du lịch của tỉnh với khu vực, các tỉnh, thành trong cả nước được quan tâm đẩy mạnh. Các thành viên cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phối hợp, hỗ trợ đồng hành trong chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch từ việc liên kết lập quy hoạch đến thông tin xúc tiến đầu tư, quảng bá, liên kết tour, tuyến du lịch. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được tiếp tục triển khai thi công.

Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương nhận thức về phát triển du lịch đối với việc phát triển kinh tế địa phương của cộng đồng dân cư chưa đồng bộ và rộng khắp. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn chậm. Một số dự án kêu gọi đầu tư trong chương trình phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh vẫn chưa có nhà đầu tư khai thác...

Để ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần thực hiện tốt Đề án phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh đến năm 2020; Đề án phát triển du lịch xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) đến năm 2030; Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy. Tập trung hoàn thiện việc xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về du lịch nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực du lịch, ban hành quy định quy mô mô hình quản lý du lịch cấp tỉnh; phát động phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”.

Tăng cường và thường xuyên phối hợp thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp du lịch, người dân tích cực hưởng ứng phát triển du lịch tỉnh nhà. Tiếp tục thu hút kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng; quy hoạch khu du lịch quốc gia Cồn Phụng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Tiếp tục triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố. Phấn đấu tổng lượng khách du lịch trung bình mỗi năm tăng từ 22 - 25%.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 4 dự án được phê duyệt thay đổi chủ trương đầu tư như Dự án du lịch sinh thái Phú Bình, Mekong Pearl, Mekong Resort, Văn phòng cho thuê và khách sạn TTC Bến Tre. Có 1 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư là Sài Gòn - Bình Đại; 2 nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư là Công ty cổ phần Ngôi sao biển Sài Gòn (dự kiến đầu tư xây dựng phố đi bộ, chợ đêm Bến Tre); Công ty TNHH Kỷ vật tình yêu đầu tư phát triển du lịch cồn Chày Mười ở Bình Đại. Phát triển thêm 1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, 3 cơ sở lưu trú du lịch với 44 phòng, 17 cơ sở ăn uống với 3.750 chỗ ngồi.

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN