Thực hiện an toàn giao thông - trách nhiệm không của riêng ai!

11/09/2011 - 17:14

An toàn giao thông (ATGT) là vấn đề luôn “nóng”, bởi không chỉ liên quan đến luật pháp, mà còn là tình trạng quá tải bởi lưu lượng xe ngày một nhiều, là việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, huyện luôn không theo kịp yêu cầu. Điểm “nóng” nhất về vấn đề giao thông hiện nay là hàng ngày, hàng giờ, sự an toàn và tính mạng con người bị đe dọa khi tham gia giao thông (đi xe đạp, xe máy, thậm chí ngồi trên xe ô-tô). Bậc cha mẹ nào cũng thấp thỏm lo âu khi con em đi học bằng xe đạp, thậm chí cả khi đi bộ. Những con đường lớn trải nhựa, bê-tông là thành tựu của quá trình phát triển hiện đại hóa, song giờ đã trở thành nỗi ám ảnh của bao người.

Sáng ngày 6-9-2011, tại phòng họp số 1 Văn phòng Tỉnh ủy, không khí hội nghị cũng “nóng” từ đầu đến cuối. Hội nghị do Tỉnh ủy triệu tập với nội dung “Sơ kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Phần nói về thành tích, hội nghị nói ít, phần hạn chế, giải pháp giải quyết thực tế những yếu tố làm mất ATGT đường bộ, đường thủy tại địa phương được đại biểu nói nhiều, bàn nhiều, tranh luận nhiều. Lãnh đạo các ngành: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục, Đoàn thanh niên, Ủy ban MTTQ tỉnh, các Huyện ủy, Ban An toàn giao thông tỉnh… đều “vào cuộc” để bàn cho ra, để làm cho nghiêm, cho đúng, đạt hiệu quả nhanh chóng, đảm bảo trật tự ATGT trên phạm vi toàn tỉnh.

Không “nóng” sao được khi mỗi sáng, vào lúc 6 giờ 30 phút trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam chúng ta luôn nghe “điệp khúc” về những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khắp cả nước, cướp đi bao sinh mạng con người. Và kèm theo đó bao gia đình mất người thân, bao gia đình phải mang gánh nặng chăm sóc người thân bị thương tích về tai nạn giao thông (TNGT). Mỗi tháng cả nước có trên 1.000 người tử vong và trên 2.000 người bị thương do TNGT gây ra. Đa số họ là thanh niên, đang trong độ tuổi lao động. Một tháng đã vậy! Tính cả năm thì tổn thất về con người, tiền của không biết bao nhiêu, thật đáng lo ngại!

Tại Bến Tre, qua nhiều năm tăng cường tuyên truyền về Luật Giao thông, áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm trật tự ATGT, hoạt động tối đa các lực lượng chuyên môn nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trên cả ba mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra ùn tắc giao thông, đua xe trái phép. Tuy nhiên, TNGT còn ở mức cao và xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ATGT.  Nếu cả năm 2010, toàn tỉnh có 38.500 vụ vi phạm ATGT bị xử lý, thì 6 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra 28.000 vụ, làm chết 88 người, bị thương 41 người. Các vụ TNGT chủ yếu xảy ra trên đường bộ. Song, vấn đề ATGT trên đường thủy cũng còn tồn đọng nhiều vấn đề nan giải: tình trạng tàu thuyền, đò đưa vào sử dụng nhưng không đăng ký, đăng kiểm hoặc đã hết niên hạn sử dụng… Mật độ, lưu lượng xe các tỉnh tham gia giao thông trên quốc lộ 60, quốc lộ 57 ngày càng nhiều, nhất là vào dịp các ngày nghỉ, ngày lễ, trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông quá mỏng. Một số “điểm đen” thường xảy ra TNGT chưa được ngành chủ quản chỉnh sửa, nâng cấp kịp thời.

Vấn đề được mọi người quan tâm hiện nay là ý thức về pháp luật, tính tự giác và văn hóa giao thông của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Trong đó có cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong chấp hành Luật Giao thông. Có trường hợp cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị bị xử lý vi phạm ATGT, được cơ quan công an gửi thông báo đến cơ quan công tác nhưng thủ trưởng đơn vị không xử lý nghiêm, hoặc có xử lý nhưng còn nương nhẹ. Việc một số cơ quan, trường học tổ chức liên hoan có sử dụng rượu bia tuy có “vui” hơn song “vô tình” đã làm cho cán bộ mình quản lý tham gia giao thông khi đã “ngà ngà” hơi men!

Phổ biến hiện nay vẫn là hiện tượng thanh niên tụ tập cuối ngày, cuối tuần tại các quán ăn, uống rượu. Buồn, vui và hàng trăm lý do để thanh niên vào quán “cụng ly”, “cụng chai” đến “quắc cần câu”, rồi lim dim lên xe máy không đội mũ bảo hiểm, không bật đèn khi trời tối, không nhạy bén khi xử lý tình huống, thậm chí nổi hứng thích đua xe khi ma men dẫn đường. Hệ quả là bao tai nạn thương tâm đã xảy ra. Nhiều người đi đường đúng luật nhưng bị “vạ lây”, bị những hung thần của bia, rượu làm hại. Trong cái lỗi của những người say xỉn khi tham gia giao thông, có một phần trách nhiệm thuộc về những chủ quán và lực lượng tiếp thị bia, rượu. Thiết nghĩ, Nhà nước cũng cần có chế tài với các đơn vị kinh doanh, sản xuất rượu bia, như đánh thuế thật cao, qui định giá bán… để hạn chế người tiêu thụ.

Sáu tháng đầu năm 2011, địa phương có 40 trường hợp vi phạm an ATGT gây tai nạn và đã bị khởi tố, 31 trường hợp bị kết tội và phạt tù, hàng trăm xe máy bị giam giữ. Pháp luật - qui định xử phạt, đối với một số người vi phạm ATGT dường như chưa đủ sức răn đe. Nhà nước đã và sẽ tăng mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm ATGT. Không chỉ lực lượng Cảnh sát giao thông được trang bị công cụ hỗ trợ và phương tiện tác nghiệp mà các địa phương cần có thêm giải pháp, vừa tuyên truyền giáo dục, vừa lắp đặt hệ thống biển báo phù hợp trên các tuyến giao thông, nhất là giao thông nông thôn, kiểm tra hoạt động đào tạo lái xe, đăng kiểm các phương tiện giao thông để tiếp tục giải quyết vấn đề “nóng” về tình hình ATGT.

Kết thúc hội nghị sơ kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo nhiều nhiệm vụ quan trọng để các ngành, các cấp triển khai thực hiện ngay. Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện ATGT, vai trò nêu gương của các cơ quan hữu quan. Và đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Trong các cuộc họp, hội nghị tổ chức ở các cơ quan, đơn vị…, nếu có tổ chức ăn cơm trưa, không dùng rượu, bia. Mỗi chúng ta hãy tự nghiêm khắc với bản thân, hãy có trách nhiệm với hành vi tham gia giao thông và thực hiện ATGT theo đúng luật định.

Thanh Chiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN