Thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí theo Di chúc của Bác

05/06/2019 - 07:41

BDK - Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn sách Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Người chỉ rõ biểu hiện, bản chất, tác hại, nguyên nhân và những biện pháp chống các bệnh trên. Trước lúc đi xa, Người còn viết bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng trên báo Nhân Dân để nhắc nhở cán bộ, đảng viên trước những yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng. Cho đến bản Di chúc thiêng liêng năm 1969, Người vẫn không quên nhắc nhở: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà ăn tập thể của công nhân nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá Hà Nội, ngày 26-1-1961. Ảnh tư liệu

“Xây” và “chống”

Quan điểm đạo đức cách mạng của Bác rất sâu rộng, đề cập chung cho mọi tầng lớp, mọi đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), bao gồm cả xây và chống, trong chống có xây, trong xây có chống. Xây là rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; chống là chống thói hư tật xấu, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (TN, LP, TC). Bác thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống TN, LP, TC. Đây là một trong những quan điểm tư tưởng lớn của Người.

Trước hết nói về tiết kiệm, trong Di chúc, Bác đã để lại những lời dạy giản dị nhưng hàm chứa chiều sâu tư tưởng về tiết kiệm, Người luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Lối sống giản dị ấy được thể hiện trong phong cách ứng xử từ lời nói đến việc làm, từ trong cách ăn mặc đến sinh hoạt hàng ngày. Theo Người, cần, kiệm, liêm, chính là 4 đức tính làm nên một con người. Người coi thực hành tiết kiệm là một phương pháp của một chế độ kinh tế, là một quy luật đi lên của một đất nước; không phải chỉ người nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả người giàu cũng phải tiết kiệm. Người nói: Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ.

Khi nói về nạn TN, LP, TC, theo Người đó là do phẩm chất non kém, do thiếu nghiệp vụ chuyên môn, do tính độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm; TN, LP, TC là tệ nạn. Người coi những tệ nạn đó là vi phạm đạo đức cách mạng, là hành động xấu xa nhất của con người, nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng đất nước, là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân, nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính.

Trước tình hình TN, LP, TC và những tệ nạn xã hội ở nước ta hiện nay có chiều hướng gia tăng, ôn lại những chỉ dẫn của Bác về đạo đức cách mạng, thực hành tiết kiệm, phòng chống TN, LP, TC càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng và tính thời sự những chỉ dẫn của Người. Tai hại hơn các tệ nạn này đang làm tha hóa một bộ phận CB, ĐV, nhất là những người có chức, có quyền; làm cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sai lệch dẫn đến chệch hướng và là tiền đề của mọi sự mất ổn định xã hội. Điều đặc biệt nguy hại là nó làm xói mòn mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân; làm mất lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta mà bao thế hệ đã đổ máu xương mới xây dựng nên.

Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống

Trong nhiều năm qua, Trung ương đã chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng chống TN, LP, TC đã được ban hành; công tác phát hiện, xử lý các vụ việc; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống TN, LP, TC, kiên quyết loại trừ thoái hóa, biến chất trong một bộ phận CB, ĐV được Đảng ta xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm, trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức đảng, CB, ĐV và nhân dân, trước hết là người đứng đầu phải thực sự tiên phong, gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia trong trận chiến với thứ “giặc nội xâm” tệ hại này.

Nhận thức được nguy hại của nạn TN, LP, TC, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre quán triệt mục tiêu “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi TN, LP, TC” và thống nhất quan điểm “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống TN, LP, TC” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, khóa X, Kết luận Hội nghị Trung ương 5, khóa XI, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng… Tỉnh ủy đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc và quyết liệt. Có thể nói, công tác đấu tranh phòng chống TN, LP, TC được cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đã có sự chuyển biến tích cực cả 2 mặt “xây” và “chống”.

Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, đơn, thư tố cáo; thời gian qua, đã phát hiện nhiều vụ việc sai phạm, gây thiệt hại tiền của của Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực quản lý sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công… Qua đó đã tiến hành thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; đồng thời, các cơ quan chức năng tập trung xử lý bằng nhiều hình thức, ở các mức độ khác nhau đối với các tập thể và cá nhân sai phạm, góp phần giáo dục, răn đe phòng ngừa chung đối với hành vi TN, LP, TC.

Bữa cơm của Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (TN, LP, TC) thời gian qua hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các giải pháp thực hành tiết kiệm, phòng ngừa TN, LP, TC nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; việc tự kiểm tra, phát hiện TN, LP, TC trong nội bộ là khâu yếu nhất; hầu hết các vụ việc TN, LP, TC đã phát hiện, xử lý chủ yếu là qua công tác thanh tra, phản ánh của báo, đài, qua đơn, thư tố cáo; một số vụ TN xử lý chậm; tệ quan liêu, TN, “vòi vĩnh”, phiền hà vẫn còn xảy ra… ảnh hưởng lòng tin, tạo dư luận không tốt trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Nguyên nhân hạn chế là do vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, người đứng đầu chưa được đề cao, thiếu tự giác, gương mẫu; dân chủ nội bộ chưa được phát huy đúng mức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có lúc thiếu tập trung, kiên quyết; chưa quan tâm kiểm tra, giám sát nội bộ, cấp trên thiếu thường xuyên kiểm tra cấp dưới. Công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng còn hạn chế, tình trạng ngại va chạm chưa được khắc phục tốt, thấy sai không dám đấu tranh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) chưa gương mẫu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện và ý thức kỷ luật kém. Giải pháp phòng chống TN, LP, TC chưa thể hiện tính kiên quyết, thiếu khả thi, không hiệu quả. Việc kê khai, công khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức. Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện thường xuyên; cơ chế bảo vệ người tố cáo TN, LP, TC… chưa cụ thể, thiếu chặt chẽ.

Giải pháp thời gian tới

Để thực hành tiết kiệm, phòng chống TN, LP, TC có hiệu quả, cần phải quán triệt sâu và thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

1. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của CB, ĐV và nhân dân về công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống TN, LP, TC. Việc học tập, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được tổ chức sâu, rộng hơn; với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm tạo bước chuyển biến tích cực và mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; xem thực hành tiết kiệm, phòng chống TN, LP, TC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả.

2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và CB, ĐV, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng chống TN, LP, TC. Chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý các vụ việc có dấu hiệu TN, LP, TC và các hành vi bao che. Người đứng đầu chịu trách nhiệm khi cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách xảy ra TN, LP, TC.

3. Thực hành kỷ luật nghiêm minh: cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống TN, LP, TC. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với nguyên tắc “tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu, xử lý đến đó; bất kể người có hành vi TN, LP là ai, đã có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra; đã kết luận có hành vi phạm tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”.

4. Trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính. Cụ thể là công khai minh bạch về cơ chế chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm CB. Đồng thời, áp dụng việc kê khai tài sản, thu nhập của CB, công chức theo quy định.

5. Cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ dân cử phải thường xuyên tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

6. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống TN, LP theo hướng vừa tinh gọn, vừa đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hành tiết kiệm, phòng chống TN, LP, TC là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, song với những kinh nghiệm, kết quả đạt được và quyết tâm của Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà, chúng ta tin tưởng rằng tiết kiệm sẽ trở thành văn hóa sống hằng ngày trong mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân; TN, LP, TC nhất định phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và niềm mong đợi của nhân dân.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng, thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng; định kỳ tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với mỗi ĐV, CB lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị một cách thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, gắn với thực hiện Quy định về những điều ĐV không được làm.

Mỗi CB, ĐV phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Kiên quyết thực hành tiết kiệm, chống TN, LP, TC. Nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng thứ  “giặc nội xâm” này.

Hải Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN