Hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Nỗ lực của ngành ngân hàng
Hoạt động thanh toán điện tử hướng tới “Ngân hàng 3-1-0”, trong đó 3 là một quy trình không quá 3 bước, 1 là lệnh chuyển tiền đi sau 1 giây là khách hàng phải nhận được phản hồi và 0 chính là không có con người can thiệp vào. Đó là 1 quy trình tự động.
Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt những thành quả bước đầu, được đánh giá là một trong những ngành đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số. Bước vào giai đoạn bùng nổ các hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập, ra mắt các dịch vụ ngân hàng, kết nối mang lại những trải nghiệm liền mạch, có ý nghĩa to lớn cho khách hàng.
Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, các thao tác nhanh chóng được xử lý ngay.
Dịch vụ ngân hàng tự động, ngân hàng số được triển khai điển hình như: CDM (Máy gửi - rút tiền tự động) của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hệ sinh thái số Onebank, Robot OPBA, Open Banking của Ngân hàng Nam Á; R-ATM của Ngân hàng Công thương, BIDV E-zone của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển… Chỉ cần vài thao tác đơn giản cài đặt ứng dụng ngân hàng số vào điện thoại thông minh, khách hàng có thể trải nghiệm hàng loạt các dịch vụ như: mở và quản lý tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, vay trực tuyến, thanh toán QR Code, nạp tiền điện thoại, đặt mua vé tàu, xe, máy bay, vé xem phim, phòng khách sạn, đi chợ online, thanh toán hóa đơn điện, nước, thuế và các dịch vụ công khác…
Ngoài ra, ứng dụng của một số ngân hàng thương mại còn có tính năng mua bảo hiểm, liên kết tài khoản thanh toán ví điện tử. Khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch chỉ với một lần truy cập ứng dụng. Qua đó, giao dịch trực tuyến qua Internet Banking, Mobile Banking có xu hướng tăng trưởng mạnh. Song song với phát triển ngân hàng số, cơ sở hạ tầng phục vụ TTKDTM, công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán được chú trọng. Tội phạm công nghệ cao tấn công hệ thống thông tin của ngân hàng ít diễn ra. Hầu hết rủi ro mất tiền, lừa đảo trong hoạt động thanh toán do lỗi thao tác của người dùng, rất hiếm trường hợp do lỗi an ninh, an toàn hệ thống thanh toán.
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành, trên địa bàn tỉnh, các ngân hàng đã triển khai đầy đủ dịch vụ ngân hàng số, các phương thức TTKDTM sẵn sàng cho mọi khách hàng trải nghiệm. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến các huyện, thị trấn trong tỉnh, trên địa bàn hiện có 155 ATM, 874 POS, hơn 8.900 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Hơn 1 triệu tài khoản thanh toán được mở cho khách hàng, trong đó 10% tài khoản mở trực tuyến eKYC (tỷ lệ này năm 2021 chiếm 5%).
Ra quân tuyên truyền, vận động
Tại lễ phát động “Tuyến phố không tiền mặt”, Huyện đoàn, Thành đoàn đã ký kết giao ước thi đua cao điểm vận động người dân TTKDTM, thời gian từ 17-12-2022 đến 5-2-2023. Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh cho biết, các nội dung trọng tâm thi đua gồm: tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp huyện, xã, ấp tổ chức hàng tuần các hoạt động ra quân TTKDTM cho người dân; trong đó vận động cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hiện. Tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp phát động thi đua trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên TTKDTM và có hình thức khen thưởng phù hợp đối với các cá nhân thực hiện tốt có ít nhất 30 lần TTKDTM trong tháng. Triển khai thí điểm việc thu đoàn phí không tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục ra quân các đội hình thanh niên xung kích nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận các chương trình TTKDTM, xây dựng nền tảng giao dịch, mua bán không dùng tiền mặt cho đoàn viên, thanh niên và người dân tại các khu vực chợ, trung tâm thương mại…
Đoàn viên, thanh niên trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt.
“Tôi đề nghị 100% cán bộ Đoàn, Hội các cấp đi đầu trong việc thực hiện TTKDTM đối với các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, cước viễn thông, học phí, viện phí và thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cho gia đình và người thân sử dụng các dịch vụ nêu trên…”, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh cho hay.
Việc TTKDTM đang trở thành xu thế mới hiện nay, bởi những tiện ích mà nó mang lại. Đối với người tiêu dùng, TTKDTM giúp cho việc thanh toán các giao dịch nhanh chóng, an toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt (bị mất cắp, tiền rách, tiền giả…), độ chính xác cao, tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch và được thụ hưởng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn từ người bán cũng như ngân hàng... Đối với kinh tế - xã hội, TTKDTM giúp thúc đẩy giao thương, mua bán hàng hóa, luân chuyển vốn trong nền kinh tế.
Hướng tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp tốt với các sở, ban ngành trên địa bàn, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số gắn với TTKDTM, lấy nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.
Trong tháng 11-2022, tổng số lượng giao dịch TTKDTM trên địa bàn đạt hơn 40 triệu giao dịch, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2021; tổng giá trị giao dịch đạt 406 ngàn tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thanh toán qua các kênh thanh toán điện tử duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: giao dịch qua Internet Banking tăng tương ứng 26,2% về số lượng giao dịch và 30,7% về giá trị; giao dịch qua Mobile Banking tăng 55,3% về số lượng và 94,9% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng tương ứng 19,3% về số lượng và 42,8% về giá trị. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc