Thúc đẩy thực hiện các chỉ tiêu cải cách thủ tục hành chính
16/10/2024 - 05:25
BDK - Hiện nay, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình tại tỉnh được đánh giá là đạt thấp. Để đẩy mạnh các chỉ tiêu trên, vừa qua, tỉnh tham dự buổi làm việc do Văn phòng Chính phủ tổ chức về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và giải đáp khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong 9 tháng năm 2024 và đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng.
Hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Nỗ lực thực hiện
Chính phủ đề ra chỉ tiêu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng DVCQG trong năm 2024 là 100%. Tại tỉnh, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 55,8%. Tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình của Long An 100%, thì tỷ lệ này tại Bến Tre 77,8%. Tỉnh và một số bộ, địa phương khác đã có báo cáo Chính phủ về những khó khăn và kiến nghị để giải quyết khó khăn, thúc đẩy giải quyết TTHC.
Tại tỉnh, trong 9 tháng năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 18 quyết định công bố 41 TTHC nội bộ. Đồng thời, UBND tỉnh còn ban hành công văn về công bố, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ. Trong đó, giao các cơ quan, đơn vị thực hiện công bố TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý trong tháng 9-2024 và thực hiện rà soát 100% TTHC nội bộ đã công bố, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ đảm bảo cắt giảm ít nhất 20% TTHC, 20% chi phí tuân thủ TTHC trong tháng 10-2024.
Tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận trong 9 tháng năm 2024 là 592.937 hồ sơ. Trong đó, số lượng hồ sơ đã giải quyết 569.906 hồ sơ, tỷ lệ 96,1%; đã giải quyết trước và đúng hạn 568.858 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,8%, quá hạn 1.048 hồ sơ, tỷ lệ 0,2%. Số lượng hồ sơ đang giải quyết 23.031 hồ sơ, tỷ lệ 3,9%, trong đó trong hạn giải quyết 22.878 hồ sơ, tỷ lệ 99,3%, quá hạn 153 hồ sơ, tỷ lệ 0,7%.
Bên cạnh đó, tỉnh còn nỗ lực trong việc nâng cao tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao tỷ lệ thực hiện DVCTT cho các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2024; chỉ đạo thực hiện rà soát DVCTT có thành phần hồ sơ đơn giản, đối tượng có điều kiện thực hiện và TTHC có tần suất giao dịch nhiều để thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến tổng số 74 TTHC (73 TTHC cấp tỉnh, 1 TTHC cấp huyện), thực hiện từ ngày 1-10-2022 đến nay đã tiếp nhận 86.373 hồ sơ trực tuyến. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ thực hiện DCVTT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nói riêng và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên địa bàn tỉnh nói chung. Tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết giảm phí, lệ phí, nhằm khuyến khích người dân tăng cường sử dụng DVCTT.
Nhận diện khó khăn
Đến nay, tỉnh còn 8/11 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP chưa đạt, gồm: Tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện trên Cổng DVCQG (quy định tối thiểu 80%, tỉnh đạt 77,84%). Tỷ lệ thanh toán trực tuyến (quy định tối thiểu 45%, tỉnh đạt 43,66%). Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC (80%, tỉnh đạt 73%). Tỷ lệ đồng bộ hồ sơ thấp (quy định đạt 100%, tỉnh đạt 30,41%). Tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử (quy định đạt 100%, tỉnh đạt 79,75%).
Tỷ lệ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính (quy định đạt 100%, 165/166 đơn vị có thực hiện, đạt 99,4%). Tỷ lệ công bố, công khai TTHC đúng hạn (quy định đạt 100%, tỉnh đạt 44,4%). Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa (quy định tối thiểu 50%, tỉnh đạt 0,02%).
Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của tỉnh còn thấp (74,85/100 điểm, xếp loại khá, xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố). Một số sở, ngành chậm tham mưu công bố TTHC được đánh giá trên Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một số hồ sơ giải quyết TTHC tại địa phương còn trễ hạn (lĩnh vực đất đai, lý lịch tư pháp). Một số trường hợp trễ hạn do không xử lý đầy đủ quy trình điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh đánh giá, lãnh đạo một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về cải cách TTHC, các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, dẫn đến kết quả thực hiện 9 tháng qua còn thấp.
Kiến nghị 5 nội dung
Tỉnh đã trình bày những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, đề xuất, kiến nghị 5 nội dung với Văn phòng Chính phủ và 5 đề nghị với bộ, ngành. Trong đó, có một số nội dung như: Đề nghị Văn phòng Chính phủ, về Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp xem xét, điều chỉnh cách thức tính điểm từng nhóm chỉ số cho phù hợp tương ứng với kết quả tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá chính xác, khách quan chất lượng giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.
Hướng dẫn về việc tính tròn điểm nhóm chỉ số “số hóa hồ sơ” đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải đối với các TTHC được tiếp nhận, xử lý trên các phần mềm bộ, ngành được nêu trên và xem xét, hỗ trợ điều chỉnh tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp kết quả giải quyết bản điện tử đối với đơn vị Sở Công Thương trên Cổng DVCQG theo đúng thực tế giải quyết TTHC. Xem xét cách thức tính tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến sao cho phù hợp với tỷ lệ DVCTT toàn trình được cung cấp trên Cổng DVCQG và hướng dẫn địa phương trong cách tính tỷ lệ DVCTT toàn trình đạt tỷ lệ 80% theo thuật ngữ “đủ điều kiện” sao cho thống nhất theo quy định tại Quyết định số 766/QĐ-TTg và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP.
Về thời gian giải quyết TTHC, theo dõi bộ, ngành trong công bố TTHC thuộc phạm vi quản lý đảm bảo thời gian giải quyết TTHC thống nhất theo “ngày” hoặc “ngày làm việc”. Đồng thời, thống nhất thời gian giải quyết bao gồm tất cả các bước trong quy trình giải quyết TTHC (bao gồm thời gian kiểm tra thực tế, sát hạch, chờ xác minh, thành lập hội đồng…) nhằm giúp địa phương thực hiện đúng thời gian, quy trình trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.
“Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp các nhóm ý kiến và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; vấn đề thuộc thẩm quyền thuộc cơ quan nào, thì cơ quan đó giải quyết. Đặc biệt là giải quyết vướng mắc trong nâng cấp toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin, các vấn đề kết nối liên thông ở bộ ngành Trung ương và các địa phương, để đạt các yêu cầu Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần đối chiếu chỉ tiêu nào chưa đạt thì tập trung thực hiện, với quyết tâm phải hoàn thành các chỉ tiêu theo quy định”.
(Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn kết luận tại buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương đầu tháng 10-2024)