Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn trong công tác giảm nghèo
29/07/2024 - 05:35
BDK - Trong 6 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn sự nghiệp phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 16%, dẫn đến lo ngại mục tiêu giảm nghèo của tỉnh trong năm 2024 sẽ không đạt. UBND tỉnh đã có buổi sơ kết tình hình giảm nghèo và đề ra các giải pháp, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn của chương trình này.
Một hộ nghèo tại huyện Ba Tri học đan ghế nhựa để có thêm thu nhập.
Tỷ lệ giải ngân thấp
Tại hội nghị sơ kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm 2024 vừa được tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận vấn đề tỷ lệ giải ngân đạt thấp ở hầu như tất cả các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Đại biểu từ các huyện, thành phố quan tâm nhất là việc giải ngân vốn dự án Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Tổng kinh phí được phân bổ cho dự án này 79,8 tỷ đồng, trong đó, vốn năm 2024 là 22,5 tỷ đồng, năm 2022 và 2023 chuyển sang 57,2 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đã chuyển cho các huyện, thành phố. Mặc dù, Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 24-4-2024 của HĐND tỉnh “Ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với dự án, kế hoạch liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh” và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức triển khai cho các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn hướng dẫn cộng đồng xây dựng dự án/mô hình phát triển sản xuất để trình UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều huyện cho biết quá trình đi sâu vào thực hiện các dự án và tiểu dự án đã gặp những khó khăn.
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Giồng Trôm cho biết: Ở dự án Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phòng đã phối hợp với UBND cấp xã để đăng ký các mô hình của xã. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp khó khăn do chờ nguồn vốn năm 2024 và 2023 phân bổ về. Sau đó, chờ nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành. Đến nay, vốn và nghị quyết đã có. Trên cơ sở hướng dẫn của các ngành, huyện đã triển khai các mô hình của năm 2023 đối với mô hình ở các xã, với số vốn hơn 9 tỷ đồng. Dự kiến, trong cuối tháng 7-2024, huyện sẽ thẩm định mô hình và giải ngân nguồn vốn của năm 2023. Riêng vốn năm 2024, Giồng Trôm được phân bổ hơn 3 tỷ đồng. Huyện gặp khó ở các quy định về thông số kỹ thuật đối với chăn nuôi. Bởi vì, so với giá cả thực tế ngoài thị trường thì thông số theo quy định của tỉnh lại rất thấp. Huyện đã có kiến nghị đối với ngành nông nghiệp về việc điều chỉnh để phù hợp với giá cả thực tế để hộ dân dễ thực hiện. Bên cạnh đó, các mô hình cho cộng đồng còn phải xuất phát từ cộng đồng. Thế nhưng, có những mô hình của cộng đồng chưa nằm trong danh mục cho phép. Huyện rất khó thực hiện. Vì vướng cơ chế thanh toàn, quyết toán và kiểm soát chi ở kho bạc. Do đó, để giải ngân hết nguồn vốn đã phân bổ, huyện chờ ngành chức năng ban hành các quy định phù hợp với tình hình thực tế.
Có nguồn vốn nhưng “khó xài”
Phát biểu tại hội nghị sơ kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có mâu thuẫn giữa 2 nguồn vốn cho giảm nghèo. Bởi vốn Chương trình MTQG giảm nghèo thì lại tồn đọng, không xài được nhiều. Trong khi đó, phía Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh lại rất “khát” nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, để đáp ứng nhu cầu cho vay năm nào cũng cần thêm.
Theo kết quả triển khai thực hiện các dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo tại tỉnh cho thấy, dự án 1 (tiểu dự án 1) hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, với tổng kinh phí 82,5 tỷ đồng, hiện giải ngân khoảng 28,1 tỷ đồng. Vốn tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là 35 tỷ đồng (gồm vốn cho năm 2024 và vốn năm 2022, 2023 chuyển sang), đến nay chưa giải ngân. Tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng phân bổ 12 tỷ đồng (gồm vốn năm 2024 và 2023 chuyển sang), đến nay giải ngân được 1,6 tỷ đồng. Vốn dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, cụ thể, phân bổ cho tiểu dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2 tỷ đồng, đến nay, giải ngân được 14 triệu đồng. Tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững được phân bổ 8,9 tỷ đồng, đến nay giải ngân được 787 triệu đồng.
Đối với Dự án Truyền thông và giảm nghèo thông tin, ở tiểu dự án giảm nghèo thông tin được phân bổ 5,2 tỷ đồng. Hiện các huyện đang đấu thầu thực hiện dự án nâng cấp Đài truyền thanh cấp huyện, dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2024. Đến nay, đã giải ngân 226 triệu đồng. Tiểu dự án truyền thông về giảm nghèo đa chiều được phân bổ 3 tỷ đồng, đến nay giải ngân 780 triệu đồng. Dự án 7 nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình, ở tiểu dự án 1 nâng cao năng lực chương trình được phân bổ 3,3 tỷ đồng, đến nay giải ngân 650 triệu đồng. Tiểu dự án giám sát, đánh giá được phân bổ 3,1 tỷ đồng, đến nay giải ngân được 50 triệu đồng.
Đánh giá khó khăn, hạn chế của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm 2024, các đại biểu thống nhất cho rằng: Việc giải ngân vốn sự nghiệp phân bổ cho Chương trình MTQG giảm nghèo chỉ đạt 16% so với dự toán, tỷ lệ này rất thấp. Khó khăn do cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo ở cấp xã thường xuyên thay đổi nên công tác tham mưu, tổng hợp báo cáo còn chậm, chưa đạt chất lượng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh vai trò của các ngành, các cấp: “Một số dự án còn dư nguồn vốn khá lớn chưa giải ngân hết. Tỉnh giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các sở, ngành chủ trì các đề án có trách nhiệm phối hợp với địa phương theo dõi tiến độ kiểm tra việc phân bổ nguồn vốn, định kỳ hàng tháng có báo cáo nhanh về tỉnh tiến độ giải ngân vốn để giải quyết vấn đề hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo. Bên cạnh đó, chương trình có nhiều dự án nhiều nguồn vốn, chứ không chỉ là vốn cho mô hình. Do đó, các ngành cần báo cáo về tỉnh những khó khăn phát sinh để kịp thời chỉ đạo, giải quyết”.
Nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của UBND tỉnh đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2024 sẽ kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,25% (giảm 0,38%, tương đương 1.540 hộ). Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, đến nay, dự án Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo chưa ghi nhận giải ngân từ các huyện, thành phố. Nguồn vốn này dự kiến giải ngân trong quý III-2024, phấn đấu đến cuối năm 2024 giải ngân đạt 100%.