Quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ 4.0. Ảnh: Thanh Đồng
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện chủ trương này, Sở Công Thương đã xây dựng 6 giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) cho DN, gồm: hỗ trợ chữ ký số DN, hỗ trợ hóa đơn điện tử, hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử (TMĐT) chuyên nghiệp, hỗ trợ phần mềm họp trực tuyến Microsoft Teams, hỗ trợ tổng đài ảo CloudFone chăm sóc khách hàng. Đây là các gói giải pháp được nghiên cứu, đề xuất trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn khá nghiêm trọng. Đồng thời, cũng phù hợp với thực trạng CĐS của các DN trên địa bàn tỉnh; thực hiện các giải pháp cơ bản này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc giúp DN phát triển bền vững.
Qua gần 2 năm triển khai, việc hỗ trợ CĐS cho DN nhỏ và vừa chủ yếu được thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa và lồng ghép vào nhiệm vụ thường xuyên của các ngành, các cấp đã có những kết quả cụ thể, khả quan, góp phần vào xây dựng trụ cột kinh tế số.
Thông tin từ Sở Công Thương, thời gian qua, có hơn 5.500 lượt DN, tổ chức, cá nhân được đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực với khoảng 145 lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức; 1.031 DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh, hộ nông dân được hỗ trợ CĐS thông qua các giải pháp công nghệ, mô hình thông minh, du lịch thông minh, thanh toán không tiền mặt, truy xuất nguồn gốc và ứng dụng TMĐT; 3.659 DN, tổ chức chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử. Tất cả DN trên địa bàn tỉnh đã sử dụng chữ ký số...
Toàn tỉnh có 3.659 người nộp thuế là DN, tổ chức đủ điều kiện áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định, đạt tỷ lệ 100%. 733 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, đạt tỷ lệ 100%. Tính đến nay, tất cả DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thực hiện CĐS thành công trong việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số…
Mô hình Chợ 4.0 đang được triển khai ở 6 điểm chợ trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại nhanh chóng, thuận tiện. Qua triển khai, có gần 500 tiểu thương đã tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và được nhân dân ủng hộ. Tổng lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt hơn 2.000 giao dịch.
Đối với các DN, HTX, khi CĐS, yêu cầu cơ bản là phải có bước chuẩn bị, tìm hiểu kỹ và quyết định lựa chọn ứng dụng phù hợp với mô hình của riêng DN mình, bước đầu là chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, hoàn thiện website bán hàng… là các giải pháp mà đa số các DN chọn hỗ trợ. Theo các DN, chi phí CĐS ban đầu là một trong những yếu tố khiến DN, nhất là DN nhỏ và vừa ngại đầu tư tham gia. Tuy nhiên, một khi đã tham gia thì sẽ giúp DN kéo giảm nhiều chi phí khác, hiệu quả quản lý cũng tối ưu hơn… Do vậy, được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn từ phía Nhà nước, là cơ hội để các DN mạnh dạn tham gia CĐS.
Triển khai nhiều giải pháp
Bên cạnh những kết quả cơ bản, CĐS DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do nhận thức về CĐS của DN, hộ kinh doanh còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, đặc thù DN Bến Tre hầu hết là DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh nên thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin và khả năng ứng dụng công nghệ số, dẫn đến việc chưa thể ứng dụng CĐS dù DN có nhu cầu. Ngoài ra, một vài đơn vị và địa phương tuy có triển khai thực hiện, nhưng mức độ quan tâm, sâu sát chưa cao.
Từ thực tế triển khai có thể thấy, để công tác CĐS đạt hiệu quả, yêu cầu đặt ra là các hộ kinh doanh, DN, HTX trên địa bàn tỉnh phải hiểu và nhận thức đúng về tầm quan trọng của CĐS. Đồng thời, tích cực tham gia phát huy sáng kiến cải tiến cách thức sản xuất, kinh doanh. Từ đó, có thể theo kịp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi của người tiêu dùng.
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1577/KH-UBND, với các giải pháp cụ thể, nhằm hỗ trợ thúc đẩy DN CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngành chức năng sẽ tiến hành thực hiện khảo sát với trên phạm vi vi mô, vĩ mô tổng thể kinh tế DN của các SMEs để nắm bắt các yêu cầu thiết thực CĐS của các DN. Từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp cho các DN thực hiện CĐS.
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về các hoạt động của Chương trình hỗ trợ DN SMEs CĐS và kế hoạch này cho DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức. Vận động các DN, HTX, hộ kinh doanh tham gia chương trình, sử dụng các nền tảng số để CĐS tại địa chỉ http://smedx.vn và http://smedx.mic.gov.vn.
Triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về CĐS cho DN; tư vấn, hỗ trợ DN CĐS. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh triển khai CĐS, cơ bản như: hỗ trợ DN 50% tổng kinh phí, tối đa không quá 5 triệu đồng/DN phát triển website TMĐT cho DN (gồm: website, hosting, tên miền…). Hỗ trợ DN 50% tổng kinh phí, tối đa không quá 1 triệu đồng/DN đăng ký mới chữ ký số. Hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT, tham gia các sàn TMĐT, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung - cầu theo từng ngành/lĩnh vực, kê khai bảo hiểm xã hội, khai báo thuế điện tử, hóa đơn điện tử… Triển khai gói tài trợ “DN thế hệ mới” và “Cộng đồng DN 4.0”. Tiếp cận và tư vấn với các HTX tại địa phương để ký kết các thỏa thuận mở gian hàng trên sàn TMĐT. Hỗ trợ các công tác về marketing giúp gia tăng sản lượng giao dịch trên sàn TMĐT.
Cùng với việc hỗ trợ DN CĐS thông qua các gói giải pháp cụ thể, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT hàng năm để cụ thể hóa các nhiệm vụ triển khai thực hiện. Sở đang vận hành sàn TMĐT Đặc sản Bến Tre, với gần 73 gian hàng và 240 sản phẩm của các DN trong tỉnh kinh doanh, quảng bá sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đồng thời, phối hợp liên kết sàn TMĐT của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với nhau cùng phát triển các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của vùng. Tổ chức và mời gọi các tổ chức, cá nhân tham dự tổng cộng 9 lớp tập huấn chuyên đề về TMĐT cho hơn 500 lượt DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. |
Trung Trí - Thanh Đồng