Thuận lợi trong thực hiện Ðề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững (kỳ 2)

30/09/2020 - 06:58

Chuyển đất muối sang nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: T. Huyền

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS). Do điều kiện cống lấy nước và đầm nuôi không hoàn chỉnh (đối với hộ nuôi quảng canh) nên năng suất, sản lượng thu hoạch còn thấp và bấp bênh (năng suất bình quân 0,3 tấn/ha); còn đối với các diện tích nuôi tôm công nghiệp thì do ảnh hưởng của thời tiết (độ mặn, mưa, lũ, bão biển, triều cường,...) nên dịch bệnh tôm chết luôn xảy ra làm nhiều hộ đôi khi mất trắng. Đứng trước các yếu tố rủi ro cao đó nên người dân vẫn chưa dám mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sang NTTS nên đến nay diện tích đất NTTS của vùng dự án chỉ tập trung chủ yếu từ huyện lộ 16 trở ra đến ranh giới rừng phòng hộ nằm ở các xã Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy, An Hòa Tây với các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, quảng canh và quảng canh cải tiến.

Việc xây dựng hoàn thành dự án sẽ chủ động tưới tiêu, điều tiết mặn - ngọt phục vụ tốt cho các mô hình NTTS phát triển ổn định bao gồm cả các vùng ngọt, lợ, đồng thời sẽ là động lực thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ các ngành khác bao gồm phần diện tích đất phía trong huyện lộ 16 sang NTTS là ngành sản xuất đem lại thu nhập cao nhằm cải thiện đời sống của người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Chuyển đổi đất muối sang NTTS

Bến Tre là tỉnh có diện tích làm muối khá lớn, khoảng 1.547,0ha xếp thứ 4/22 địa phương có sản xuất muối của cả nước, nhưng lại tập trung chủ yếu ở khu vực dự án (các xã Bảo Thuận, Bảo Thạnh) là vùng mà chất lượng nước biển sử dụng làm muối có độ mặn thấp (23 - 24g/lít), đất của ruộng muối là phù sa sông - biển lắng đọng trong môi trường nước lợ giàu sunfat. Đây là 2 yếu tố hạn chế chính ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng muối thô của tỉnh nên muối Bến Tre ít có sức cạnh tranh trên thị trường so với sản phẩm cùng loại sản xuất ở địa phương khác.

Theo Quy hoạch phát triển sản xuất muối tỉnh đến năm 2020, quy mô sản xuất muối sẽ giảm còn 500ha. Đây chính là cơ hội để chính quyền và người dân lựa chọn chuyển đổi cơ cấu sản xuất làm muối sang NTTS, nhất là trong điều kiện “Dự án đầu tư xây dựng CSHT phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri nhằm thích ứng biến đổi khí hậu” đang được xúc tiến đầu tư sẽ càng làm người dân yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất làm muối không hiệu quả sang NTTS.

Mô hình tôm - rừng

Mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp bảo vệ rừng ngập mặn đang phát triển khá mạnh mẽ ở Cà Mau và được nhân rộng ra nhiều khu vực khác. Khu vực các xã ven biển Ba Tri thuộc vùng dự án có khoảng 1.400ha đất rừng nhưng rừng trong ao nuôi chỉ có khoảng 420ha. Dự án được thông qua trong đó có một khoản chi phí hỗ trợ người dân và chính quyền phát triển mô hình này chẳng những sẽ giữ vững diện tích rừng hiện có mà còn thúc đẩy tăng cường trồng rừng bảo vệ đê biển kết hợp nuôi tôm. Đây cũng là động lực để khuyến khích việc chuyển đổi một phần đất làm muối, đất bãi bồi không hiệu quả phía ngoài đê biển sang mô hình tôm - rừng.

Hoàng Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN