Thuận lợi trong thực hiện Ðề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững

28/09/2020 - 06:49

BDK - Bến Tre là một trong những tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mê Kông thuộc nhánh sông Tiền chảy ra Biển Đông với 4 cửa sông chính qua cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Ba Lai. Dự án Đê biển Ba Tri đã được hình thành là khu vực nằm giữa 2 cửa sông Ba Lai và Hàm Luông có chiều dài bờ biển 12km, thuộc huyện Ba Tri và về phía Đông Nam tỉnh Bến Tre, giáp biển Đông.

Nuôi tôm công nghiệp tại xã Tân Thủy (Ba Tri).

Khu vực hưởng lợi trực tiếp của vùng dự án nằm ở ven biển huyện Ba Tri bao gồm các xã: Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy, An Hòa Tây, An Đức, Vĩnh An, Vĩnh Hòa, Phú Ngãi. Khu vực dự án nằm cách TP. Bến Tre khoảng 40km gồm phía Đông Nam giáp Biển Đông, phía Tây Nam giáp sông Hàm Luông, phía Đông Bắc giáp sông Ba Lai, phía Tây Bắc giáp huyện lộ 14 (từ xã An Đức qua thị trấn Ba Tri đến cống Ba Lai). Dự kiến về các tác động của dự án như sau:

1. Chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai

Ba Tri là huyện ven biển của tỉnh, thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, mưa bão, áp thấp, nước dâng, gió lốc... gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất cũng như dân sinh của người dân khu vực. Bờ biển huyện Ba Tri đồng thời là phạm vi vùng dự án có chiều dài trên 12km, trong những năm qua đã bị xói lở nghiêm trọng và hiện nay vẫn còn tiếp tục xói lở. Nguyên nhân chính là do tác động của dòng chảy và sóng. Hiện tượng xói lở đã làm ảnh hưởng đến đất đai, tài sản và thành quả sản xuất của nhân dân ở khu vực ven bờ. Việc xây dựng hoàn thành tuyến đê biển sẽ là tấm lá chắn bảo vệ an toàn, hiệu quả đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của toàn vùng được ổn định, lâu dài. Hệ thống rừng ven biển sẽ góp phần chống xói lở chân đê, cải thiện môi trường sinh thái vùng ven biển. Các hệ thống kênh rạch sau khi nạo vét cùng các công trình trên đê sẽ tạo điều kiện cho tàu thuyền vào bên trong neo đậu tránh bão. Tuyến đê cũng là tuyến đường giao thông phục vụ cứu hộ, cứu nạn; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai do bão biển, triều cường thường xuyên xảy ra.

2. Tác động của dự án đối với sản xuất nông nghiệp

Khu vực phía ngoài đê biển với việc hỗ trợ trồng rừng, nuôi tôm - rừng, cấp chứng nhận tôm sinh thái sẽ đem lại cho khu vực này một mô hình sản xuất bền vững có chi phí quản lý và vận hành thấp hơn nhiều so với trang trại nuôi thâm canh. Với mô hình này, nông dân có thể bán tôm của họ với giá cao hơn 10% so với thông thường.

Ngoài ra, sau 10 - 15 năm, người dân có thể thu hoạch được thêm phần gỗ của cây rừng. Khu vực ngập mặn gồm nuôi trồng thủy sản và làm muối sẽ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên mà sẽ chủ động hơn trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai nhờ tuyến đê biển và các cống ngăn triều, kiểm soát mặn. Nạo vét hệ thống kênh sẽ dẫn đến việc lưu chuyển nước tốt hơn cùng với việc xây dựng quy trình vận hành hợp lý để điều tiết nước, điều tiết độ mặn kết hợp với các giải pháp phi công trình hỗ trợ sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất thích hợp, phân bố và tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý giữa các điều kiện nguồn nước và tài nguyên đất khác nhau sẽ góp phần ổn định và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản nước lợ trước diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

Khu vực kinh tế ngọt vẫn được tiếp tục với việc điều chỉnh hệ thống mùa vụ và lịch mùa vụ để đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô cùng với việc hỗ trợ thành lập các đội ứng phó biến đổi khí hậu sẽ giúp khu vực này giảm những thiệt hại do xâm nhập mặn và thiếu ngọt trong vụ Đông Xuân. Việc thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa thành công sẽ giúp khu vực này dần chuyển đổi qua mô hình canh tác tốt hơn thích ứng biến đổi khí hậu.

(còn tiếp)

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN