Thừa Đức: Hỗ trợ nông dân tìm đầu ra nông sản

09/08/2021 - 06:22

BDK - Cái nắng mùa hè gay gắt, cũng không bằng “nóng lòng, xót dạ” nhà nông vào mùa thu hoạch nông sản thời Covid-19. 5 công củ cải trắng và 3 công củ sắn của ông Phan Văn Đàng (Chín Đàng), ở ấp Thừa Tiên (xã Thừa Đức, huyện Bình Đại) đã đến và thậm chí đã qua ngày thu hoạch, tồn đọng trên 6 tấn. Ông cho hay, củ cải trắng chỉ neo lại tầm 10 ngày, nếu kéo dài thêm thì củ sẽ to, thịt xốp, kém chất lượng và chỉ nhổ bỏ. Thông qua đoàn thể, 2 - 3 ngày, bán cầm chừng trên 200kg, nguy cơ thất thoát cao do trễ thời gian.

Ông Chín Đàng lo lắng cho ruộng củ cải trắng chờ tiêu thụ.

Đồng cảnh ngộ, bà Mai Thị Mỹ Châu, ở ấp Thừa Tiên, đang từng ngày mong ngóng thương lái đến mua nông sản nhà mình. Trên diện tích 5 công, bà trồng sắn và củ cải trắng, ước đạt khoảng 6 tấn, đang nằm ì. “Đầu mùa dịch, không tìm được đầu mối tiêu thụ, tôi phải tiêu hủy hơn 1,5 tấn củ cải trắng; địa phương tìm đầu ra giúp được 3 tấn. Đợt này, tình hình khó hơn, cầu mong bán được để lấy lại chút vốn tái sản xuất mùa kế tiếp”, bà Châu nói.

Theo người dân, trước dịch Covid-19 xảy ra, vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận ruộng thu mua. Người dân chỉ việc thu hoạch nông sản, thương lái đem sẵn bọc đựng và làm những công đoạn còn lại. Giờ người dân phải tự làm mọi công đoạn, lại thêm chi phí, giảm lợi nhuận. Khi thu hoạch củ cải trắng, tranh thủ từ 12 giờ khuya làm đến tầm 6 giờ sáng, trải qua nhiều công đoạn: nhổ, rửa sạch, để ráo, vào bịch… đầy gian nan, vất vả.

Vài ngày nữa, đậu phộng thu hoạch đồng loạt, nhưng đầu ra bấp bênh do dịch bệnh. Chị Phan Thanh Trúc, ở ấp Thừa Trung, thấp thỏm từng ngày, mong chờ “giải cứu” đậu phộng nhà trồng, ước chừng 4 tấn (200 giạ), 2 ngày nữa thu hoạch. “Tôi chẳng biết làm sao, cầu mong cộng đồng lan tỏa tấm lòng hỗ trợ nhà nông. Hết điệp khúc được giá, mất mùa hay ngược lại, nay mất hẳn đầu ra”, chị Trúc bộc bạch.

Giọt mồ hôi lăn dài, chị Trần Thị Loan, ở ấp Thừa Trung, nghĩ về những ngày sắp tới, 6 công đất trồng đậu phộng khả năng thu hoạch hơn 3 tấn (trên 150 giạ) mỏi mòn chờ tiêu thụ. “Hiện nay, đoàn thể ở địa phương là cứu cánh duy nhất cho người dân, nhưng giới hạn trong mức đơn hàng số lượng ít”, chị Loan tâm sự.

Bằng sự nhiệt tình, cố gắng hết mình, các đoàn thể xã Thừa Đức phối hợp hỗ trợ tìm đầu ra tiêu thụ nông sản cho người dân. Quyết liệt trong hành động, tích cực trong suy nghĩ, gắn liền thực tiễn địa phương. Kết nối mọi nguồn, thông qua nhiều hình thức, kênh tiêu thụ giúp nhà nông bán: 22,51 tấn củ sắn, 48,66 tấn củ cải trắng, 6,42 tấn đậu phộng (321 giạ) và nhiều nông hải sản khác.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nông, bà Phan Thị Cà (Bảy Cà), ở ấp Thừa Tiên, luôn thấm nỗi nhọc nhằn, vất vả trên từng luống nông sản. Bà kinh nghiệm, giá cả tùy thời điểm, khi lên cao, lúc tuột nhào xuống thấp. Nhưng chưa khi nào khổ như giai đoạn này. 6 công đất, với phân nửa đất nhà, còn lại thuê, bà chuyên canh trồng củ sắn và củ cải trắng. “Gần đây, đoàn thể địa phương giúp tôi bán 3 tấn nông sản, hơn 10 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 3 triệu đồng/công. Mọi người tích cực, hết lòng giúp đỡ, thậm chí phụ thu hoạch cho kịp tiến độ”, bà Bảy Cà cho biết.

Hiện tại, bà Bảy Cà vẫn gặp khó khăn trong đầu ra cho nông sản, nhất là củ sắn đang thời điểm địa phương đồng loạt thu hoạch. Bên cạnh đó, bà tiếp tục cải tạo đất đã thu hoạch trước đó để chuẩn bị xuống giống vụ kế tiếp. Củ sắn thu hoạch lắm kỳ công, từ cắt củ đến phơi nắng, làm sạch cát và vào bịch để dễ dàng vận chuyển.

“Các đoàn thể đang tiếp tục hỗ trợ người dân tìm đầu ra nông sản theo đơn đặt hàng, xoay vòng, không bỏ sót bất kỳ ai. Tuy nhiên, sản lượng nhiều, thu hoạch đồng loạt, nên việc tiêu thụ toàn bộ, dứt điểm vượt khả năng địa phương. Do đó, cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng, lan tỏa tấm lòng để giúp nhà nông Thừa Đức vượt qua khó khăn”.

(Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thừa Đức Đỗ Thị Hồng Nhung)

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN