Thư viện Nguyễn Đình Chiểu đẩy mạnh phục vụ sách, tài liệu số

15/04/2024 - 05:51

BDK - Kỷ nguyên số đã và đang đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho lĩnh vực thư viện. Phải đổi mới, phải vận dụng công nghệ để đến được với độc giả. Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực thư viện, thời gian qua, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tập trung đổi mới các phương thức phục vụ bạn đọc theo hướng ứng dụng công nghệ số, năng động và linh hoạt, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đoàn viên, thanh niên trải nghiệm đọc sách điện tử tại không gian trưng bày triển lãm sách và công nghệ.

Đa dạng hình thức phục vụ sách

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam trong bài viết “Suy nghĩ về thư viện và văn hóa đọc Việt Nam trong kỷ nguyên số” có nêu ý kiến: Để phát huy vai trò thư viện và đẩy mạnh văn hóa đọc trong kỷ nguyên số cần đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy quản lý, phương thức điều hành hoạt động thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ số, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số, liên kết nguồn tài nguyên giữa các đơn vị và đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc theo hướng truy cập tài liệu mới, đọc đa phương tiện.

Thực hiện các nhiệm vụ CĐS, thời gian qua, một trong các đầu việc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu chú trọng thực hiện, có hiệu quả là số hóa tài liệu và sách để phục vụ bạn đọc. Từ thực tế cho thấy, hiện nay, bạn đọc đang có xu thế tiếp cận nhiều phương thức đọc sách, không chỉ có sách in mà còn có thể đọc dạng sách điện tử hoặc nghe sách nói.

Theo Giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Dương Tấn Phát: Những tài liệu địa chí và những tài liệu của các tác giả người Bến Tre, thư viện đều xin phép để số hóa. Bên cạnh đó, ưu tiên số hóa những tài liệu địa chí mà thời hạn bảo hộ quyền tác giả đã hết như sách của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Đây là nhóm sách, tài liệu nội sinh của tỉnh, thuận lợi về vấn đề bản quyền tác giả mà thư viện ưu tiên số hóa trước để tạo nguồn tài liệu, sách số cơ bản, phục vụ bạn đọc. Số lượng đã số hóa hiện đạt khoảng 30% so với mục tiêu.

Hình thức số hóa sách và tài liệu mà thư viện đang thực hiện chủ yếu theo dạng file PDF có đánh dấu bản sao theo quy định song song với dạng sách lật 3D (chống sao chép) và theo dạng sách nói - audiobook. Nguồn sách số được cung cấp trên website của thư viện, được phổ biến đến bạn đọc theo các hình thức quét mã QR, giới thiệu trên các kênh mạng xã hội, phục vụ trong các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh và các địa phương. Sách 3D và sách nói audiobook của thư viện đưa vào phục vụ trong thời gian qua được nhiều bạn đọc tiếp cận và hưởng ứng một cách tích cực, nhất là với nhóm bạn đọc trẻ. Ngoài ra, loại hình sách nói audiobook được các bạn đọc lớn tuổi ưa chuộng hơn vì không gặp trở ngại về thị lực.

Việc phục vụ tài liệu số được Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tăng cường phục vụ cộng đồng trong các sự kiện, trưng bày, triển lãm ở các trường học, địa phương, cơ sở thờ tự, các đơn vị lực lượng vũ trang đều có giới thiệu về sách số, sách điện tử, mang đến một hình thức mới để bạn đọc, người dân tiếp cận, góp phần đa dạng phương thức phục vụ bạn đọc. Qua cuộc thi “Cảm nhận sách” đã tổ chức những năm qua cho thấy, bạn đọc tiếp cận sách điện tử rất nhiều, do mỗi bản sách giấy của thư viện có giới hạn nên cùng lúc cả trăm bạn đọc dự thi cảm nhận sách đã khai thác tài liệu sách điện tử một cách hiệu quả.

Làm giàu kho tài nguyên sách, tài liệu số

Mặc dù bước đầu đã tạo ấn tượng mới cho bạn đọc nhưng hiện Thư viện Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và các thư viện công cộng cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn trong tiến trình CĐS. Chủ yếu vẫn là trở ngại về cơ sở vật chất, thiết bị lưu trữ và phục vụ còn hạn chế, trang thiết bị máy móc xuống cấp, nguồn nhân lực thực hiện số hóa chưa nhiều, đặc biệt là việc sản xuất sách nói. Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền trong CĐS lĩnh vực thư viện là một trong những việc cần quan tâm, chấp hành. Đồng thời, cũng sẽ hạn chế ở việc số hóa và phục vụ tài liệu số. Hiện nay, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu thực hiện sách điện tử không vì mục đích thương mại nên theo Luật Sở hữu trí tuệ, thư viện được quyền sao chép không quá 3 bản tác phẩm để lưu trữ trong thư viện để bảo quản với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ.

Việt Nam hiện đã tham gia vào Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lý mới về quyền tác giả đã đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục tình trạng “đói sách” đối với người khuyết tật. Các tài liệu, sách, kể cả sách mới xuất bản có thể được số hóa thành sách nói và xây dựng sách chữ nổi dành cho người khiếm thị để phục vụ người khuyết tật.

Giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Dương Tấn Phát cho biết, trong thời gian tới, thư viện sẽ tiếp tục số hóa theo kế hoạch của UBND và được cụ thể hóa thành kế hoạch của thư viện về CĐS đạt 100% năm 2025. Đồng thời, tiếp tục sưu tầm, thực hiện số hóa các tài liệu khác đến năm 2030 để làm phong phú và làm giàu vốn tài liệu số. Quan tâm sưu tầm tiếp tục sách quý, tài liệu nội sinh cũng như phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị, gắn với ngành thư viện để tham vấn các giải pháp CĐS phù hợp, trước mắt là phù hợp đặc thù địa phương, sau đó là theo xu thế của cả nước.

Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cũng sẽ phối hợp với các thư viện lớn, nơi có các tài liệu sách dành cho người khiếm thị, sản xuất sách chữ nổi và sách nói, để luân chuyển, phục vụ các đối tượng là người yếu thế trong tỉnh. Nhất là liên kết các thư viện trong Liên hiệp Thư viện đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục hòa cùng mạng lưới tài liệu số của các thư viện công cộng các tỉnh, từ đó tiến đến việc liên thông thư viện trong giai đoạn 2026 - 2030 và tương lai.

“Sách và văn hóa đọc lo mà không lo trước sự bùng nổ và lấn át mạnh mẽ của phương tiện nghe nhìn, của Internet ngày hôm nay, mà chỉ là vấn đề tương hợp giữa đặc trưng của các loại hình với nhu cầu thực tế luôn luôn biến động trong xã hội”.

(Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN