Thư viện của những thần tượng

21/10/2024 - 05:22

BDK - Những danh nhân nổi tiếng đã đọc những cuốn sách nào khi họ còn trẻ? Để trả lời câu hỏi này, nhà báo Lee Ha Young người Hàn Quốc đã dành thời gian tìm hiểu và viết lại những câu chuyện về việc đọc sách, hay chính xác hơn là cuốn sách nào đã gắn bó với những danh nhân nổi tiếng của nhân loại dưới dạng những bài báo đăng định kỳ, tạo nên sự chú ý với đông đảo độc giả.

Bìa sách “Thư viện của những thần tượng”.

Theo nội dung giới thiệu về tác giả có ghi lại rằng, mỗi lần Lee Ha Young đến nhà bạn chơi, đến thăm văn phòng của giáo sư, phòng làm nhạc, xưởng vẽ hay thậm chí là khi xem phim và thưởng lãm tranh, cô sẽ luôn phát hiện ra một cuốn sách nào đó. Với niềm đam mê với sách, Lee Ha Young đã bắt tay viết những bài báo dài kỳ có nội dung là tìm hiểu xem những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đã đọc những quyển sách nào. Những bài báo này sau đó được tập hợp lại thành quyển sách “Thư viện của những thần tượng” và xuất bản rộng rãi.

Nói về lý do khởi sự viết chuỗi bài nghiên cứu về sách của những người nổi tiếng, Lee Ha Young kể lại: Bức tranh “Tĩnh vật tiểu thuyết Pháp và hoa hồng” chính là tác phẩm truyền cảm hứng để tôi bắt tay vào viết cuốn sách này. Khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật, tôi đã chăm chú quan sát thật kỹ vì muốn biết tên của những cuốn sách xuất hiện trong tranh, nhưng thông tin của sách lại không được đưa vào. Việc tò mò về những cuốn sách tiếng Pháp mà Vincent van Gogh đã đọc khiến tôi tự hỏi: “Những người làm nghệ thuật sẽ bị một cuốn sách như thế nào mê hoặc” và thế là tôi bắt đầu đặt bút viết cuốn sách này”.

Để thực hiện các bài viết của mình, tác giả Lee Ha Young đã đọc vô số tài liệu về cuộc đời và tác phẩm của các danh nhân âm nhạc, nghệ thuật, văn học, hội họa như: Beethoven, Vincent van Gogh, Lev Tolstoy, Charlie Chaplin, Ernest Hemingway và Frida Kahlo… Từ quá trình tìm hiểu này, tác giả nhận ra suốt những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của các nghệ sĩ, luôn có sự hiện diện của những cuốn sách. Lee Ha Young nhận ra rằng, trong lúc nỗi đau và sự tuyệt vọng nhấn chìm tâm hồn những người nghệ sĩ, họ đã tìm đến sách để được xoa dịu, giải khuây. Khi các nghệ sĩ tìm đến sự hòa giải với số phận của mình và bắt đầu thực hiện những bước nhảy vọt mới và sự bình an nội tại, sách luôn ở bên cạnh họ.

Với “Thư viện của những thần tượng”, bạn đọc sẽ có một cái nhìn thoáng qua về cuộc sống và thế giới công việc của một danh nhân đã vượt qua nỗi đau của sự sáng tạo. Bạn cũng có thể nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc khi đọc những bức chân dung tự họa của các nghệ sĩ cùng với niềm vui khi khám phá những cuốn sách tạo nên kiệt tác của họ.

Trong lời mở đầu của quyển sách, tác giả viết: “Đọc sách, xem phim, nghe nhạc, vẽ tranh và viết lách đều là những việc mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Bạn không cần phải đọc hàng nghìn cuốn sách trong vòng 10 năm hay phải có chứng chỉ hoặc bằng cấp đặc biệt nào cả. Chỉ cần nắm bắt và ghi chép lại một khía cạnh khác của ý thức đang chảy ở ngay đây và bây giờ, trong hiện tại chúng ta đang sống là đủ. Bạn hỏi tôi có thật là như vậy không? Tôi sẽ đáp đúng là như vậy. Thông qua cuốn sách nhỏ bé này, tôi muốn nói với các bạn rằng đừng sợ bản thân sẽ mắc lỗi hay chưa đủ giỏi, mỗi lần bắt tay làm việc đều là một khởi đầu mới và hãy cố gắng hết sức để giữ lời hứa, chỉ cần như vậy là đủ. Mọi chuyện sẽ ổn thôi dù đôi lúc chúng ta ngồi xuống và dành thời gian vào những việc tưởng chừng như vô ích”.

Quyển sách “Thư viện của những thần tượng” 307 trang, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2023, dịch giả Tâm An chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Hàn “An Artist’s Library” của tác giả Lee Ha Young (ra mắt năm 2015), gồm 22 câu chuyện của 22 nghệ sĩ nổi tiếng trên các lĩnh vực với những tác phẩm văn học cũng vô cùng nổi tiếng mà họ đã đọc. Chúng ta có thể đọc thấy để biết nhà soạn nhạc Beethoven và vở kịch Giông tố của William Shakespeare có mối quan hệ như thế nào mà ông đã cho ra đời bản Sonata piano cùng tên Giông tố nổi tiếng lịch sử. Hay đại văn hào người Nga - Lev Tolstoy đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn như thế nào trước khi cho ra đời tiểu thuyết Anna Karenina bất hủ và suy tư của ông khi đọc “Bất tuân dân sự” của Henry David Thoreau. Hay câu chuyện về thói quen đọc sách của kịch sĩ Charlie Chaplin và tác phẩm Oliver Twist của Charles Dickens mà ông đã đọc sẽ giải đáp cho bạn đọc hiểu về những giá trị mà ông muốn để lại cho cuộc đời. Lee Ha Young đã giải đáp: “Âm nhạc của Charlie đã che giấu vị đắng của cuộc đời bằng hương vị ngọt ngào như viên thuốc bọc đường phủ siro. Và cuốn sách của ông ấy đã cho chúng ta biết rằng, thứ duy nhất mà chúng ta phải chiến đấu đó chính là cuộc sống. Charlie luôn có sách đồng hành cùng trên con đường đấu tranh mà ông đã đi qua…”.

Các bài báo của Lee Ha Young hàm chứa những nội dung nghiên cứu sâu sắc về cuộc đời của các danh nhân, tác giả khai thác những yếu tố đặc biệt trong số phận của các nghệ sĩ, cách họ vượt qua những thử thách của cuộc đời để tạo nên những kiệt tác cho nhân loại. Và trong suốt hành trình đó, luôn có những cuốn sách đặc biệt, gắn bó và tác động sâu sắc đến họ. Thông qua đó, người đọc lại có thêm cơ hội tìm hiểu về cuộc đời các danh nhân này một cách rõ nét hơn. Điều này cũng truyền cảm hứng cho bạn đọc trẻ hiện nay rất nhiều trong hành trình phát triển và hoàn thiện bản thân.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN