Thủ tướng: Hạn chế tụ tập đông người, hoạt động lễ hội

31/01/2020 - 09:31

Thủ tướng chỉ đạo ngành hàng không cần tạm ngừng các tuyến từ vùng có dịch đến Việt Nam và ngược lại. Ngừng cấp visa cho khách du lịch, kể cả các trường hợp khác trừ công vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ về triển khai nhiệm vụ sau Tết và các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chiều 30-1-2020, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương để tổng kết công tác chuẩn bị, tổ chức đón Tết cho nhân dân và đánh giá tình hình, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Thêm 3 trường hợp dương tính với nCoV tại Việt Nam

Báo cáo tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến 15 giờ 20 phút chiều 30/1, trên cả nước đã phát hiện thêm 3 trường hợp dương tính với nCoV; nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện tại Việt Nam đến thời điểm này lên 5 người. Trong đó, có 2 trường hợp là cha, con người Trung Quốc.

Đối với 2 bệnh nhân này, người con sau điều trị đã có xét nghiệm âm tính; người bố do thể trạng và cơ địa yếu hơn nên xét nghiệm vẫn còn dương tính với nCoV. Ba trường hợp còn lại trong đó có 1 trường hợp được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và đều là những người Việt Nam đi từ Vũ Hán về nước.

Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 30/1/2020, thế giới đã ghi nhận 7.819 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 170 trường họp tử vong (162 trường hợp tử vong tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). So với ngày 29/1, số ca mắc tăng 1.760 trường hợp, số trường hợp tử vong tăng 38 trường hợp. Tại Trung Quốc đã ghi nhận 7.714 trường hợp tại 30/31 tỉnh/thành phố. 

Trên thế giới ghi nhận 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bị nhiễm nCoV gồm: Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Ma Cao, Singapore, Australia, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Malaysia, Hàn Quốc, Canada, Campuchia, Nepal, Sri Lanka, Phần Lan, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Việt Nam. 

Xây dựng kịch bản ứng phó với 4 cấp độ dịch

Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh thành lập các đội phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có nhu cầu. Bộ cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó với 4 cấp độ dịch; hoàn thành hệ thống kết nối giao ban trực tuyến tại 22 bệnh viện với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel. Bộ Y tế cũng đã thống nhất các phương án điều trị khi phát hiện bệnh theo hướng: Phát hiện người bệnh ở địa phương nào thì tập trung điều trị tại địa phương đó, hạn chế vận chuyển người bệnh để giảm nguy cơ lây lan.  

Bộ Y tế cũng đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm đối với các trường hợp phát hiện tại phía Bắc. Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm các trường hợp tại miền Trung và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đối với các trường hợp tại phía Nam. Bộ Y tế cũng đã thành lập một chuyên trang trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để cập nhật thông tin về dịch bệnh.

Cùng với đó là xây dựng dự trù về trang thiết bị y tế, cơ số thuốc; chỉ đạo các cơ sở sản xuất sẵn sàng các trang thiết bị bảo hộ để cung cấp cho quá trình phòng, chống dịch bệnh. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Y tế kiến nghị thành lập 5 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nCoV và được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần phát động phong trào đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng để hình thành văn hóa tham gia giao thông từ nay về sau trên cả nước.  

Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh

Tại buổi làm việc, đánh giá tình hình tổ chức đón Tết cho nhân dân, Thủ tướng cho rằng, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức thăm hỏi người có công; hỗ trợ các vùng khó khăn, thiên tai kịp thời. Hàng hóa phục vụ Tết phong phú, dồi dào, không còn tình trạng thiếu hàng sốt giá và đặc biệt, hàng Việt chiếm ưu thế. Việc cung cấp điện, nước đầy đủ, an ninh, trật tự được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm, Nghị định 100 nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Các cơ quan báo chí đã có vai trò quan trọng phục vụ Tết cho nhân dân với nhiều chương trình phong phú, đặc sắc.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ngay sau Tết phải tập trung vào công việc, không để vui chơi quên nhiệm vụ. Cần “tập trung ngay từ ngày đầu, tháng đầu” những nhiệm vụ được giao một cách đồng bộ; phấn đấu đạt kết quả cao hơn 2019 trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đầu tư, xuất khẩu; Cùng với đó là cần có các phương án phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch nCoV bùng phát.

Về tình hình dịch bệnh do nCoV, Thủ tướng cho rằng, tình hình bùng phát dịch rất nghiêm trọng và rất nhanh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã chủ động và có chủ trương sớm, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đã có những biện pháp với quyết tâm cao, giải pháp cụ thể.

“Tất cả chúng ta phải bình tĩnh xử lý và kiên quyết xử lý để bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân với biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân”, Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương, các cấp, các ngành có phương án cụ thể khi phát hiện bệnh tại địa phương.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy quyền hạn trong xử lý các vấn đề đặt ra, duy trì chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên để có biện pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng hoan nghênh Ban Chỉ đạo quốc gia đã thành lập 40 đội phản ứng nhanh để xử lý vấn đề này kịp thời hơn. Bộ Quốc phòng có phương án sẵn sàng huy động quân dân y khi cần thiết. Các bệnh viện lớn ở các khu vực cũng đã được giao nhiệm vụ cụ thể trong xử lý điều trị bệnh nhân với tinh thần hạn chế di chuyển bệnh nhân làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Nêu một số giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cần cấm hẳn việc đi lại qua các đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới; dừng việc người Việt Nam qua Trung Quốc lao động. Bộ Ngoại giao sớm bàn bạc với phía Trung Quốc để đưa người Việt Nam tại Trung Quốc về nước. Tạm ngừng các hoạt động tour, tuyến du lịch qua lại Việt Nam - Trung Quốc.

Thủ tướng chỉ đạo ngành hàng không cần tạm ngừng các tuyến từ vùng có dịch đến Việt Nam và ngược lại. Ngừng cấp Visa cho khách du lịch, kể cả các trường hợp khác trừ công vụ. Không khuyến khích giao thương, buôn bán khu vực cửa khẩu trong thời điểm này. Đối với các đoàn công tác của Việt Nam sang Trung Quốc nếu không thực sự cần thiết thì cần tạm hoãn trong dịp này. Các ngành Quân đội, Công an và đặc biệt là Y tế cần kiểm soát chặt chẽ khách du lịch đi qua các cửa khẩu đến Việt Nam.

Ngành Y tế cần có biện pháp theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch Trung Quốc, kể cả người Việt Nam sinh sống tại Trung Quốc vào Việt Nam trong vòng 15 ngày.

Thủ tướng cũng nhắc lại chỉ đạo cấm hoàn toàn việc buôn bán động vật hoang dã - nguồn lây nhiễm nguy hiểm dịch bệnh.

Với vai trò Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cần cần có tiếng nói để tạo sự đồng thuận cao trong ASEAN chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị các địa phương cũng cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCoV do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng ban để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ.

Thủ tướng nhắc lại tinh thần hạn chế tụ tập đông người, hạn chế các hoạt động lễ hội. Các lễ hội chưa khai mạc cần phải xin ý kiến trước khi tổ chức. 

Chính phủ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm đông người. Bộ Công Thương cần chủ động sản xuất trang thiết bị y tế để sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan truyền thông coi đây là nhiệm vụ chính trị để tập trung làm tuyên truyền nhưng không để người dân hoang mang; tăng cường tuyên truyền thông tin tự phòng ngừa cho nhân dân.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị tình trạng pháp lý sẵn sàng trong trường hợp WHO công bố tình trạng khẩn cấp.

Thủ tướng đồng ý thành lập tại Văn phòng Chính phủ một tổ công tác để phối hợp với Ban Chỉ đạo trong công tác điều phối các hoạt động liên quan.

Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia cần đề ra những biện pháp sát thực, kịp thời, có hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người dân.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN