Quang cảnh hội nghị.
Trước khi tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan Trung tâm điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phát huy vai trò tham mưu chính sách kinh tế vĩ mô
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 của Chính phủ với chủ đề “Khơi thông điểm nghẽn-Giải phóng nguồn lực-Hành động hiệu quả” ngay trong những ngày đầu năm thể hiện tinh thần đổi mới, tập trung vào những những nội dung quan trọng của nền kinh tế nói chung, của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói riêng trong việc phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch năm 2020, Kế hoạch 5 năm (2016-2020), tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị. Ảnh: MPI
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, năm 2019 là một năm đáng ghi nhớ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực, quyết tâm thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật nhất là, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, năm 2020, là năm cuối của nhiệm kỳ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi phải làm cho được nhiệm vụ kép. Một mặt, đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục cần có sự bứt phá hơn nữa, không chỉ là phấn đấu tiếp tục đạt kết quả toàn diện của năm 2020 mà còn phải về đích thành công, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch 5 năm (2016-2020). Mặt khác, sự phát triển bứt phá của năm 2020 chính là nền tảng, tạo đà thuận lợi cho cả chặng đường phát triển sắp tới của đất nước, cụ thể là Kế hoạch 5 năm (2021-2025), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045. “Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, đổi mới và hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ dành ưu tiên cao nhất, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong việc nghiên cứu, xây dựng Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Tập trung cao độ mọi nguồn lực và thời gian cho công tác thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, xuyên suốt của toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê và cũng là nhiệm vụ cốt lõi của nền kinh tế; tiếp tục phát huy vai trò và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ điều phối kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc theo dõi, phân tích tình hình, chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tham mưu các giải pháp điều hành kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh thế giới được dự báo là còn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, góp phần cùng các bộ, ngành tham mưu các giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết cho được những vấn đề bức xúc nhất của xã hội và nhân dân hiện nay về ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn nước, xử lý rác thải, tắc nghẽn giao thông, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu…; Thực hiện đổi mới cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng để khơi thông các nguồn lực cho phát triển…
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã trình bày tham luận triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xung phong đi đầu trong giải bài toán khó và lớn về phát triển đất nước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò như nhà toán học, do đó Bộ phải đi xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn có đề bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ đóng vai trò như nhà toán học, phải đi đầu trong việc giải các bài toán lớn có đề bài khó về phát triển đất nước. Ngành kế hoạch và đầu tư đã có nhiều đóng góp quan trọng với tư duy đổi mới, sáng tạo, sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần tích cực hành động của Chính phủ được Bộ thực hiện và lan tỏa tốt, nhất là ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng như Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội (2021-2030), Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025).
Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ đã tập trung xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua, tạo bước đột phá trong thực hiện đầu tư công.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại ngành cần tháo gỡ, trong đó còn có vướng mắc về thể chế vốn đầu tư công, khiến việc tổ chức thực hiện, giải ngân vốn còn thấp. Cụ thể như việc xây dựng kế hoạch đầu tư công còn bất cập, giao vốn nhiều lần khiến thời gian giao vốn kéo dài. Công tác quản lý đấu thầu dự án đầu tư công còn bất cập, có dấu hiệu tham nhũng, thông đồng, đấu thầu kém công khai, hủy thầu vô căn cứ ở một số bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... chưa theo kịp yêu cầu thực tế và triển khai còn chậm.
Công tác triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính. Nêu một số bất cập về doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ và Tổng cục Thống kê gấp rút ban hành Sách trắng về doanh nghiệp ngay trong quý 1 năm nay.
Đối với năm 2020, Thủ tướng tán thành với Bộ về chủ đề hoạt động của năm 2020 là: “Khơi thông nguồn lực- Giải phóng nguồn lực- Hành động hiệu quả” và nêu một số nhiệm vụ chiến lược đối với Bộ.
Trước cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển có thể theo kịp các nước giàu, nhưng đi kèm theo nhiều thách thức, Thủ tướng đặt vấn đề với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó Việt Nam đang có những lợi thế trong cuộc đua về kinh tế số, nên cần khuyến nghị chính sách để các địa phương coi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số là nền tảng và động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng yêu cầu Bộ tháo gỡ một số nút thắt ngay trong năm 2020, trong đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, công khai minh bạch, giao quyền nhiều hơn Chủ tịch UBND tỉnh, bộ trưởng. Bộ chỉ làm công tác tổng hợp, chính sách pháp luật, kiểm tra, đôn đốc những chủ trương lớn đã đề ra.
Trước nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam còn rất lớn nếu để xảy ra tham nhũng lợi ích nhóm, ban hành chính sách sai, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải tham mưu để tháo gỡ các vấn đề này.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ tham mưu khắc phục một số nút thắt khác như các vấn đề văn hóa, xã hội nổi lên, có thể gây kìm hãm sự phát triển kinh tế và xã hội; vấn đề chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vấn đề già hóa dân số...
Để thực hiện mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải tạo thuận lợi hơn nữa để có doanh nghiệp mới, tạo điều kiện phát triển nhiều doanh nghiệp lớn với thương hiệu lớn có sức cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vượt con số 38 tỷ USD của năm 2019.
Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, cần thảo luận, đề xuất thay đổi tên của Bộ cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển với tinh thần đổi mới.
Nguồn: ĐCSVN