Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trong điều kiện triều cường đạt mức lịch sử và có mưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường, khu vực của thành phố, song từ sáng sớm, gần 800 cử tri thành phố Cần Thơ đã có mặt đông đủ để dự hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ báo cáo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng năm 2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo, phản ánh đến cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.
Cử tri thành phố Cần Thơ bày tỏ vui mừng trước những chuyển biến tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khẳng định kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cử tri Cần Thơ phản ánh và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đời sống hàng ngày của người dân và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo đó, cử tri phản ánh hiện nay "tín dụng đen" vẫn hoạt động phức tạp, nhất là trên không gian mạng, với nhiều app cho vay dễ dàng, song lãi suất cao và có tính chất lừa đảo, nhiều người dân rơi vào cảnh nợ nần, do đó cần có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này.
Hiện nay, đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở, nhất là cán bộ bán chuyên trách còn khó khăn do lương, phụ cấp thấp. Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét để cải cách tiền lương, giúp cán bộ, viên chức có thu nhập ổn định hơn, yên tâm công tác.
Cử tri cũng đề nghị có chính sách để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó có việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ; có giải pháp xử lý kịp thời tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, nhất là những vướng mắc, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; có quy định, hướng dẫn cụ thể tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ chế đặc thù, nhất là cơ chế tự chủ tài chính cho các bệnh viện công; có chính sách ổn định giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu; nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai chậm...
Cử tri thành phố Cần Thơ bày tỏ vui mừng vì Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có các Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, song việc triển khai thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách này còn chậm. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn để các bộ, ngành phối hợp với các địa phương thúc đẩy, nhất là đối với việc phát triển hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực để người dân sớm được hưởng lợi...
Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ đã giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương như: tình hình triển khai các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc trên địa bàn thành phố; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Theo đó, các dự án, chương trình, nghị quyết đang được triển khai tích cực, nhưng chủ yếu ở bước khởi động nên chưa có kết quả cụ thể; với sự nỗ lực của các cấp, ngành thời gian tới sẽ sớm có kết quả cụ thể.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ một số nội dung, vấn đề được cử tri quan tâm. Theo đó, về tình hình và kết quả phát triền kinh tế-xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm 2022, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ; thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; cả nước đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cùng với phân tích, dự báo tình hình những tháng cuối năm, Thủ tướng cho biết để đạt các mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đề nghị cử tri thành phố Cần Thơ hưởng ứng, thực hiện.
Theo đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi sát tình hình, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023; tận dụng tốt cơ hội thị trường nước ngoài trong dịp cuối năm; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; chú trọng bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng trước những biến động từ bên ngoài và bên trong; triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch; tăng cường phòng, chống thiên tai, bão lũ...
Về các phản ánh, kiến nghị của cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng và thẳng thắn, bám sát thực tiễn, thể hiện sự tin tưởng, quan hệ chặt chẽ giữa cử tri với đại biểu Quốc hội; đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị. Nguyên tắc là, nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo.
Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND Thành phố Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ giải đáp, thông tin đến cử tri về việc giải quyết một số vấn đề nảy sinh cụ thể như cử tri phản ánh, kiến nghị. Theo đó, về tình trạng quảng cáo vặt, trong đó có cho vay nặng lãi trên không gian mạng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định quy định bảo vệ người tiêu dùng; nêu cao trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông; nâng mức xử phạt các vi phạm.
Gần đây nhất, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có nội dung về kiểm soát, hạn chế tối đa, tiến tới chấm dứt tình trạng bán sim rác; Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát, tiếp tục chấn chỉnh.
Về đề xuất tăng lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở, Thủ tướng cho biết, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, từ ngày 1/7/2021 cải cách tiền lương. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 gây khó khăn nên chưa thực hiện Nghị quyết 27, dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian tới. Mặc dù vậy, thời gian qua, bằng các hình thức khác nhau, chúng ta đã nâng phụ cấp, thu nhập cho từng đối tượng như người lao động, đối tượng chính sách...
Đối với tình hình triển khai các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, để thúc đẩy, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết về vấn đề này; Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, thành viên Ban Chỉ đạo đã trực tiếp tới từng dự án để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thi công, chuẩn bị khởi công các dự án mới.
Về tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế và cơ chế tự chủ tài chính cho các bệnh viện công, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, có các chỉ thị, hướng dẫn, đưa ra các giải pháp để khắc phục, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cùng với chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này. Nhờ đó, đến nay tình trạng này đang dần được giải quyết; Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ dứt điểm, với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đối với kiến nghị về dạy tiếng, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, trong đó có tiếng nói, chữ viết. Chủ trương, chính sách này được ghi rõ trong các Nghị quyết của Đảng, trong Luật Giáo dục, các Nghị định của Chính phủ... Theo đó, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương lựa chọn môn học tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng Khmer.
Về thị trường xăng dầu, Thủ tướng cho biết tình hình thế giới biến động phức tạp từ cuối 2021 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung. Trên nguyên tắc tôn trọng quy luật cung cầu, song phải có sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công Thương nỗ lực bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân. Đặc biệt yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu; yêu cầu phản ứng của các ngành, địa phương kịp thời, hiệu quả hơn, sát với diễn biến tình hình.
Về việc phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu triển khai mở rộng, xây dựng các dự án giao thông trọng điểm của thành phố gồm; sân bay Cần Thơ, cảng Cái Cui, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các tuyến giao thông nội tỉnh và khu vực; trong thời gian tới, hệ tống giao thông của thành phố sẽ phát triển đồng bộ, hiện đại, tuy nhiên cần thời gian và có quá trình đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển, lớn mạnh và thành công của thành phố.
Để thành phố Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân của vùng và trở thành nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, cần sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng và hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng đồng hành với chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức