Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ dự Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự hội nghị có các đại biểu Quốc hội: ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Cùng dự có Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; hơn 300 cử tri các quận: Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền và các chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ báo cáo tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và các hoạt động của đoàn tại kỳ họp.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã tham gia 29 lượt ý kiến thảo luận xây dựng thể chế, pháp luật; cơ chế, chính sách phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cần Thơ; giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu; xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh."
Cùng với đó, đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ cũng tham gia chất vấn tại Kỳ họp về vấn đề nạo vét luồng lạch, thực hiện cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ…
Cử tri TP. Cần Thơ bày tỏ vui mừng, tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; cho rằng trước các khó khăn, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả lĩnh vực; trong đó điều hành chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh năng lượng; đẩy mạnh ngoại giao, nhất là ngoại giao kinh tế...
Đặc biệt, thời gian qua, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều công trình hạ tầng giao thông đang được đầu tư, mở ra không gian, cơ hội phát triển cho cả vùng, trong đó có TP. Cần Thơ.
Cùng với việc đánh giá cao cá nhân Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền, cử tri thành phố cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xem xét, giải quyết.
Sau khi các lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và TP. Cần Thơ giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại những điểm nổi bật của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với cử tri TP. Cần Thơ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn; nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát và giảm dần. Tăng trưởng được thúc đẩy. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định. Xuất nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại; thu ngân sách Nhà nước bảo đảm tiến độ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị, xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường.
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Cho rằng trong kết quả chung đó có sự đóng góp tích cực của TP. Cần Thơ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố; nhất là về phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng hoạt động giao thông vận tải, thu hút khách du lịch, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Cho rằng thời gian tới, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 rất lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới nhằm quyết tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.
Đối với Cần Thơ, Thủ tướng đề nghị thành phố tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; cải cách thủ tục hành chính; chủ động rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại; phối hợp xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp trên địa bàn; nghiên cứu, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đời sống người lao động phù hợp.
“TP. Cần Thơ là đô thị trung tâm, là hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là vùng đang được tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và các điều kiện cần thiết để sớm trở thành một trong những vùng động lực tăng trưởng mới của cả nước,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian trả lời, làm rõ hơn những vấn đề cử tri thành phố quan tâm như: tình trạng lừa đảo trên không gian mạng; chế độ bảo hiểm y tế; kết quả khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; chính sách bình ổn giá, nhất là xăng dầu, phân bón; tìm kiếm, mở rộng thị trường nông sản; giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng; thúc đẩy đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics trên địa bàn TP. Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp; có hướng dẫn thanh quyết toán điều trị bệnh nhân COVID-19 trước đây; đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới; điều chỉnh Luật Sỹ quan Quân đội.
Đối với đề nghị của cử tri Phan Thanh Dũng ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng về xử lý tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã giao Bộ, ngành liên quan xây dựng quy định pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có nhiều nội dung nhằm quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, đặc biệt nhằm loại bỏ tính ẩn danh trên mạng như yêu cầu xác thực số điện thoại đối với các tài khoản mạng xã hội, kể cả mạng xã hội xuyên biên giới. Đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP. Cần Thơ sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng đề nghị người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện giải pháp phòng, chống theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Ý kiến của cử tri Trần Ánh Hoàng ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền về sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới tại Quyết định số 318/TTg ngày 8-3-2022, Thủ tướng cho biết, một số địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh việc thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có một số tiêu chí khó khăn, bất cập.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, sửa đổi Bộ Tiêu chí này và hoàn thiện trình Thủ tướng để sửa đổi, đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương và khả năng bố trí nguồn lực.
Đối với đề nghị của cử tri Vũ Quyết Tiến ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trên cơ sở kết quả tổng kết và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam bảo đảm phù hợp với đặc thù nhiệm vụ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trả lời ý kiến của cử tri Nguyễn Hữu Chí, phường Phú Thứ, quận Cái Răng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm, tạo điều kiện cho việc đào tạo ngành thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ và Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao của Vùng. Chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở phát triển và hoạt động; chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học liên kết hợp tác phát triển đào tạo và thực hiện liên kết đào tạo quốc tế.
Về vấn đề nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho rằng phải giải quyết chống biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, hạn hán xâm nhập mặn; phát triển hạ tầng chiến lược giao thông đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt. Hiện đã có quy hoạch, cho nên phải tập trung nguồn lực cho các dự án cao tốc, đường sắt cao tốc, đường thuỷ nội địa, nạo vét kênh Định An, phát triển cảng Cái Cui; xây dựng thương hiệu lúa gạo, sầu riêng, chôm chôm, xoài, vú sữa, măng cụt…
Về kiến nghị mở rộng thị trường, Thủ tướng cho rằng mở rộng thị trường là nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương. Công tác này đang được tích cực thực hiện thời gian qua.
Thủ tướng cũng đề nghị người dân tham gia vào tiến trình này, trong đó có việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh được tình trạng “được mùa, mất giá”.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức