Thủ tướng đồng ý điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất để đón dòng đầu tư

03/07/2020 - 13:06

Chiều 2-7-2020, ngay sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2020, chủ yếu bàn về công tác xây dựng thể chế, chính sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành chủ động hơn trong công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng “bắt nước chờ gạo”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, thảo luận báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Bộ Tư pháp trình bày; thảo luận về Nghị  định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc; về bổ sung nội dung vào dự thảo Nghị  định sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành của Luật Lâm nghiệp; về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu bổ sung đất khu công nghiệp và đất ở đô thị...

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; các bộ, cơ quan ngang bộ  đã cố gắng trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án, dự thảo. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của nước ta. Chính phủ, các bộ phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ưu tiên xây dựng ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật đặc thù cho việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 nên công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có độ trễ so với tiến độ được phân công. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình, chậm, nợ ban hành văn bản, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Các Bộ: Công an; Công Thương; Thanh tra Chính phủ; Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan khẩn trương, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 9 văn bản (7 nghị định, 1 quyết định, 1 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 6 luật đã có hiệu lực.

Các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu xây dựng, ban hành 92 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật hoặc nội dung giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, nhất trí với ý kiến của Bộ Tư pháp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động hơn trong công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng “bắt nước chờ gạo”, nhất là đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết pháp luật.

Tại phiên họp, báo cáo tóm tắt về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu bổ sung đất khu công nghiệp và đất ở đô thị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ngay lập tức tiến hành rà soát, đánh giá lại quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 -2021, có văn bản gửi các địa phương để lấy ý kiến về tình hình sử dụng đất. Bộ trưởng cho biết, đối với đất công nghiệp thì việc điều chỉnh, phân bổ lại đất chưa sử dụng còn rất lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta có chỉ tiêu phân bổ đất làm công nghiệp, đất đô thị và có địa phương sử dụng hết, có địa phương không sử dụng được nên có câu chuyện điều chỉnh. Do đó, thực tế có nhiều địa phương, ví dụ như Bắc Giang, có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào nhưng không có đất. Vấn đề này cần xử lý kịp thời để đón dòng vốn đầu tư.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất chủ trương về điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư và sử dụng đất hiệu quả.

Về số liệu, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện phương án và trình Thủ tướng xem xét quyết định sớm để các địa phương triển khai, đón bắt dòng vốn đầu tư mới. Đất đai là vấn đề quan trọng, cần quản lý tốt, phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch…, do đó, kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải tính toán phù hợp để có không gian phát triển trong tình hình mới, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN