Thủ tướng Áo: Tổng thống V. Putin bảo đảm nguồn cung khí đốt của Nga

14/04/2022 - 18:25

Hãng thông tấn Áo APA dẫn lời Thủ tướng Nehammer nói rằng Tổng thống Putin nhấn mạnh nguồn cung khí đốt được bảo đảm, Nga sẽ cung cấp khối lượng khí nhất trí theo hợp đồng cho Áo.

Một cơ sở lọc dầu của Nga. (Ảnh: TheMoscowtimes.com/TTXVN)

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần này ở Moskva, ông Putin đã khẳng định nguồn cung khí đốt của Nga cho Áo là "an toàn" và Vienna có thể tiếp tục thanh toán tiền khí đốt của Moskva bằng đồng euro.

`Hãng thông tấn Áo APA dẫn lời Thủ tướng Nehammer nói rằng Tổng thống Putin đã nhấn mạnh "nguồn cung khí đốt được bảo đảm, Nga sẽ cung cấp khối lượng đã được nhất trí theo hợp đồng và các khoản thanh toán có thể tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro."

Nga đáp ứng đến 80% nhu cầu khí đốt của Áo, theo đó Vienna phản đối một lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào khí đốt của Moskva, cho rằng Áo không thể ngay lập tức tìm được nguồn cung thay thế.

Theo Thủ tướng Nehammer, cả ngành công nghiệp của Áo và các hộ gia đình nước này sẽ phải chịu những tổn hại nghiêm trọng nếu không nhận được nguồn cung khí đốt từ Nga.

Thủ tướng Nehammer là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống Putin sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ông Nehammer đã đánh giá cuộc gặp diễn ra ngày 11-4 tại Moskva là "rất khó khăn nhưng cởi mở" và không công khai đề cập đến vấn đề an ninh nguồn cung khí đốt cho Áo.

Trước khi thăm Nga, Thủ tướng Nehammer cũng đã đến Ukraine vào ngày 9-4. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12-4, Thủ tướng Nehammer đã thông báo cho ông Zelensky về kết quả cuộc hội đàm giữa ông và Tổng thống Putin.

Ngoài ra, ông Nehammer cũng thông tin cho Đại sứ Mỹ tại Vienna và Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen về nội dung cuộc gặp ở Moskva.

Tổng thống Nga Putin ngày 31-3 đã ký sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty đăng ký hoạt động tại các quốc gia "không thân thiện" chỉ được thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1-4.

Yêu cầu của Nga khiến các khách hàng châu Âu rơi vào tình thế khó xử: từ chối thanh toán bằng đồng ruble và đối mặt nguy cơ không nhận được khí đốt, hoặc tuân thủ và chịu rủi ro giá cao hơn khi các hợp đồng được đàm phán lại và các giao dịch dài hạn có lợi hơn bị loại bỏ. Điều này đã khiến các đối tác đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Moskva.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN