Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra

25/10/2022 - 05:45

Không quy định việc lập cơ quan thanh tra đóng tại địa phương của tổng cục, cục; phân cấp cho thanh tra cấp huyện… Đây là những điểm mới của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.


Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Không quy định việc lập cơ quan thanh tra đóng tại địa phương của tổng cục, cục

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần 2 và thông qua dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Dự thảo Luật này đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học… Nội dung của dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thanh tra, tinh thần của Hiến pháp 2013 và khắc phục những bất cập về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra trong thực tiễn hiện nay.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị ngành dọc (đóng tại địa phương) thuộc tổng cục, cục thuộc bộ, Chính phủ đề nghị “không đưa vào dự thảo luật”.

Chính phủ cũng thống nhất với các quy định về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan thanh tra trực thuộc nhằm tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra.

Dự thảo Luật quy định thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước,trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra. Các cơ quan thanh tra triển khai hoạt động thanh tra theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Thanh tra, quy định pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các quy định này đã phân định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thanh tra, tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất với quy định về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra như dự thảo luật, trong đó có sự phân định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành để bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.

Để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật quy định, trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành chung trong Luật Thanh tra thì thực hiện theo quy định của luật đó là phù hợp.

Ngoài ra, Chính phủ thống nhất với phương án quy định tại khoản 3 Điều 111 của dự thảo luật về việc cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách Nhà nước, để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra…

Dự thảo luật quy định thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước “tham khảo ý kiến” của cơ quan thanh tra cấp trên khi bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái chánh thanh tra cấp dưới. Về vấn đề này, Chính phủ đề nghị quy định theo hướng thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước “thống nhất” với thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên khi bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái chánh thanh tra cấp dưới.  

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường tính độc lập, khách quan trong hoạt động thanh tra, nhất là yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm thống nhất về tiêu chuẩn, cũng như sự ổn định của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan thanh tra; tránh việc điều động, bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan thanh tra không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đây cũng là quy định của Luật Thanh tra hiện hành và đang được thực hiện thuận lợi, không có vướng mắc. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang phải thực hiện Quyết định số 140 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương cho ý kiến về công tác cán bộ của các bộ ngành, địa phương thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển (Luật Thanh tra hiện hành không quy định nội dung này). Thanh tra Chính phủ còn tham gia ý kiến trong việc khen thưởng các hình thức khen cao đối với các tổ chức, cá nhân do Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ đề nghị.

Chính phủ cũng đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 75 dự thảo luật như sau: “Với dự thảo kết luận thanh tra có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra có văn bản báo cáo”.

Thanh tra Chính phủ được giao tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, quy định rõ về hệ quả pháp lý của việc báo cáo nhằm phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể (người báo cáo và người được báo cáo) trong việc ban hành kết luận thanh tra.

Cần phân cấp cho thanh tra cấp huyện

Góp ý quy định về thanh tra huyện tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nhất trí việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó thanh tra huyện như hiện hành, đồng thời chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập Phòng thanh tra chuyên ngành, quy định thành lập Thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

Riêng đối với Thanh tra sở, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Bởi hiện nay tất cả những vướng mắc, chồng chéo và gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này.


Đại biểu Trần Đình Gia, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Trần Đình Gia lấy ví dụ, tại một trường học phải tiếp thanh tra các chuyên ngành của Sở Giáo dục, thanh tra của Sở Tài chính, thanh tra của Sở Nội vụ, như vậy là có những năm liên tục đón các Đoàn thanh tra. Vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị chỉ những sở đặc biệt thì mới thành lập cơ quan thanh tra và tiến hành phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện. Chính vì vậy, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để Thanh tra huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cho ý kiến về thẩm quyền của Chánh Thanh tra sở, Thanh tra Tổng cục và Thanh tra Cục trong việc ban hành quyết định thanh tra và kết luận thanh tra, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, đối với lực lượng này chỉ tham mưu cho Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và kết luận thanh tra.

Đối với quy định về tổ chức bộ máy, tại Điều 26 quy định: Chánh Thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức. Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cho phù hợp, bởi theo Quy định số 65 ngày 28/4/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ tiến tới lộ trình Chánh Thanh tra tỉnh không phải là người địa phương, nếu giao việc bổ nhiệm chức danh này cho Chủ tịch UBND tỉnh thì thực hiện chủ trương này sẽ khó khăn.

Về thông báo việc công bố quyết định thanh tra, đại biểu Trần Đình Gia cho biết Điều 61 dự thảo luật quy định: Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về công bố quyết định thanh tra bằng văn bản, thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự.

Tuy nhiên, theo đại biểu nội dung này quy định đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp, vì đặc thù của các cuộc thanh tra chuyên ngành là để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý. Nếu thông báo trước cho đối tượng thanh tra thì dễ xảy ra việc đối tượng tẩu tán, phi tang chứng cứ vi phạm.

Góp ý vào nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra tại điểm g khoản 1 Điều 77, Ban soạn thảo sử dụng cụm từ “người đang cộng tác với cơ quan thanh tra” là chưa phù hợp vì có những người liên quan đến hoạt động thanh tra nhưng chưa hoặc không phối hợp, cộng tác với các cơ quan thanh tra. Vì vậy, đề nghị dùng cụm từ "người đang có liên quan đến hoạt động thanh tra" sẽ chính xác hơn.

Đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị mở rộng cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra theo hướng sau khi kết thúc thanh tra, kết luận thanh tra được gửi đến các cơ quan điều tra để cơ quan điều tra chủ động rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm sẽ phối hợp với Đoàn thanh tra để xem xét xử lý theo quy định…

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN