Thu nhập cao nhờ trồng ca cao xen dừa

21/01/2015 - 08:42
Nông dân tham quan, học hỏi kỹ thuật canh tác ca cao của anh Thanh (bìa trái).

Từ diện tích trên 10.000 héc-ta năm 2012, hiện nay diện tích trồng ca cao ở tỉnh Bến Tre giảm xuống còn 5.184 héc-ta. Nguyên nhân được xác định là do có thời gian giá trái, hạt ca cao giảm xuống thấp, bà con chuyển sang trồng các loại cây có múi giá bán cao. Bên cạnh đó, nhiều vườn ca cao nông dân trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật, năng suất thấp nên bà con đốn bỏ đã làm cho diện tích ca cao của tỉnh giảm gần 50%.

Trên thực tế, ở tỉnh Bến Tre có nhiều mô hình trồng ca cao xen trong vườn dừa nếu được chăm sóc hợp lý đã giúp người dân tăng thêm thu nhập không nhỏ trên cùng diện tích. Mô hình ca cao trồng xen trong vườn dừa của anh Nguyễn Văn Thanh ở ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam là một điển hình. 

Trong 2 năm 2007 và 2008, anh Thanh mua 500 cây ca cao về trồng xen trong 1 héc-ta vườn dừa cây 4 năm tuổi. Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc ca cao theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, loại cây trồng xen này sau 2 năm đã đem về thu nhập cho anh Thanh. Trong những năm gần đây, năng suất cây trồng ở mức cao, giúp anh Thanh đạt thu nhập khá. Năm 2012, anh thu hoạch 5,5 tấn trái ca cao, giá bán bình quân 4.500 đồng/kg, anh thu nhập gần 25 triệu đồng.

Năm 2013, anh Thanh tham gia dự án Phát triển ca cao chứng nhận và được chọn thực hiện xây dựng vườn ca cao mẫu, được chuyển giao đồng bộ các biện pháp canh tác ca cao theo tiêu chuẩn UTZ nên năng suất ca cao tăng lên gần 7 tấn trái. Mặc dù giá trái ca cao giảm bình quân còn 3.500 đồng/kg, nhưng anh Thanh vẫn đạt thu nhập tương đương năm 2012. Riêng năm 2014 vừa qua, nhờ giá ca cao tăng bình quân 5.000 đồng/kg và anh sơ chế bán hạt tươi trực tiếp cho Công ty Puratos Grand - Place nên giá tăng lên tương đương 6.500 đồng/kg trái tươi. Với năng suất thu hoạch khoảng 8 tấn, cây ca cao đem về thu nhập cho anh Thanh trên 50 triệu đồng.

Anh Thanh cho biết: “Cây ca cao trồng xen trong vườn dừa dễ đạt kết quả so với các loại cây trồng khác nếu được đầu tư, chăm sóc tốt. Đặc biệt là khâu tỉa cành tạo tán, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Bản thân tôi bón phân cho cây ca cao theo cách phối trộn các loại phân đơn gồm đạm, lân, kali theo tỷ lệ 1-2-1 hoặc 1-1-1, tùy theo thời điểm cây ra hoa và nuôi trái. Với cách bón phân này, vừa giảm tỷ lệ phân bị thất thoát vừa giúp tôi tiết kiệm gần 40% so với mua phân hỗn hợp bón cho cây trồng”.  Bên cạnh bón phân NPK, anh Thanh còn sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón khoảng 10kg/cây/năm, tủ gốc giữ ẩm trong mùa nắng, nuôi kiến vàng để phòng trừ bọ xít muỗi.

Việc anh Thanh bón phân đều đặn cho các loại cây trồng trên mảnh vườn định kỳ 2 tháng/lần, ngoài cây ca cao đạt năng suất cao, cây dừa cũng cho trái sai. Tuy trong vườn nhiều cây dừa bị đuông tấn công, anh Thanh phải trồng mới nên chưa có trái, nhưng mỗi năm anh thu hoạch khoảng 10.000 trái dừa. Nếu giá ở mức bình quân 70.000 đồng/chục, anh đạt thu nhập gần 60 triệu đồng/năm. Với mô hình trồng xen đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định, từ năm 2012 đến 2014, anh Thanh được bình chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thanh Hoa - Cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Dự án ca cao chứng nhận tỉnh Bến Tre cho biết: “Trong 2 năm 2013 và 2014, Ban Quản lý Dự án phát triển ca cao chứng nhận tỉnh Bến Tre đã xây dựng 42 vườn ca cao mẫu tại 41 xã có nhiều nông dân trồng ca cao trong tỉnh. Tác động kỹ thuật đến vườn ca cao mẫu được thực hiện tập trung vào các khâu chủ yếu như tỉa cành tạo tán, quản lý bóng che, bón phân đúng kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tủ gốc giữ ẩm trong mùa nắng, nuôi kiến vàng để phòng trừ sâu bệnh… Kết quả, năm 2014 có 100% vườn ca cao tăng năng suất trung bình 30% so với năm 2013. Mô hình vườn ca cao mẫu của anh Thanh là một trong các mô hình điểm để dự án chọn cho nông dân trồng ca cao chứng nhận tham quan, học hỏi kỹ thuật canh tác ca cao”.


Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN