Nguồn vốn đầu tư
Qua 4 năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt 63,7/80,2 ngàn tỷ đồng, đạt 79,42% mục tiêu Nghị quyết Đại hội (NQĐH) X của Đảng bộ tỉnh. Đây cũng là giai đoạn tỉnh nhà thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, cao gấp nhiều lần so với các giai đoạn trước (xem biểu đồ 5).
Biểu đồ 5: Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội của tỉnh, giai đoạn 2001 - 2020.
Dự báo nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng nhanh và tính cạnh tranh giữa các địa phương, khu vực sẽ rất lớn. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư, cả nội lực và ngoại lực, có như vậy mới đủ sức đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của tỉnh. Không chỉ dừng lại ở các bản ký kết, ghi nhớ ở các hội nghị, họp mặt gặp gỡ, mà cần thiết xác định thật cụ thể ngành, lĩnh vực trọng yếu để sớm triển khai thực hiện, kịp thời giải ngân theo kế hoạch.
Cùng với tiếp tục kêu gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng hệ thống giao thông, khu đô thị, sẽ tiếp tục mở rộng, xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp. Những công trình, dự án này ngoài việc “khát vốn”, đều cần không gian nhất định để thực hiện. Trong khi đó, nguồn quỹ đất công của tỉnh hạn hẹp, nếu muốn đầu tư xây dựng đều phải tiến hành giải phóng mặt bằng, liên quan trực tiếp đến người dân.
Do điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư, truyền thống văn hóa của tỉnh nhà “đất hẹp người đông”, nên công tác giải phóng mặt bằng thời gian qua luôn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, phần nào đã làm giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Để có đủ quỹ “đất sạch” đáp ứng theo yêu cầu cơ bản của các nhà đầu tư là vấn đề nan giản, ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí tốn kém hơn. Vì vậy, cần có sự chọn lọc trong đầu tư, xây dựng các công trình, dự án sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh nhà, mang lại hiệu quả, đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, cần xây dựng cơ chế chính sách triển khai giám sát chặt chẽ, tránh lãng phí, thất thoát. Quan tâm, dành nguồn vốn thỏa đáng cho lĩnh vực công nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh tỉnh nhà về kinh tế vườn, kinh tế thủy sản. Tập trung phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tỉnh nhà. Khi công nghiệp - xây dựng thật sự trở thành mũi “đột phá”, thương mại dịch vụ phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ đó góp phần cải thiện, nâng cao mức thu nhập bình quân người dân.
Thu nhập bình quân
Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội càng tăng, nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thu nhập bình quân hàng năm của người dân tỉnh nhà từng bước được cải thiện, năm 2005 là 461 USD, 2010 là 866 USD, 2015 là 34,7 triệu đồng (tương đương 1.240 USD) và năm 2019 là 38,9 triệu đồng (1.670USD).
Tuy vậy, so với mục tiêu NQĐH X Đảng bộ tỉnh là đến năm 2020 đạt 48,6 triệu đồng/người/năm (tương đương 2.100 USD) thì kết quả đạt được vẫn còn cách biệt lớn. Đồng thời còn thua xa thu nhập bình quân đầu người cả nước, tương ứng các năm 2005: 640 USD, năm 2010: 1.160 USD, năm 2015: 2.109, năm 2019: 2.800 USD và NQĐH XII của Đảng là đến năm 2020 đạt từ 3.200 - 3.400 USD (xem biểu đồ 6).
Biểu đồ 6: Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh và cả nước.
Dự báo giai đoạn tới, hòa vào xu thế phát triển chung của cả nước và tỉnh nhà, thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh sẽ tiếp tục được cải thiện, nâng lên. Nhưng nếu vẫn “dàn hàng ngang bước đều” kiểu nước lên thuyền lên, không tạo bước đột phá, thì thu nhập bình quân chung của người dân trong tỉnh nhiều khả năng vẫn chỉ dao động mức 70 - 75% so với cả nước, bởi đến năm 2019 đạt khoảng 60%.
Một vấn đề cần tính đến khi bàn về thu nhập bình quân là sự chênh lệch về thu nhập giữa các thành phần trong xã hội, là nguyên nhân đưa đến sự phân hóa giàu - nghèo. Không chỉ là những đối tượng đang được thụ hưởng các chính sách về an sinh xã hội, mà ngay cả trong độ tuổi lao động cũng đang gặp phải thách thức không nhỏ trong quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Mức thu nhập bình quân của người dân phản ánh sự thịnh vượng hay nghèo khó của một quốc gia, khu vực nên không chỉ dừng ở con số cơ học, mà còn phải xem xét, đánh giá các yếu tố bao hàm trong đó. Đặc biệt là về khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động ở các khu vực kinh tế để có chính sách điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng, đảm bảo tốt an sinh xã hội, tạo nền tảng ổn định cho phát triển bền vững, lâu dài.
K.Phong