Nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhu cầu về đời sống tinh thần bao giờ cũng hiện hữu trong mỗi con người, dù ít dù nhiều. Trong đó thú chơi gà kiểng của cánh mày râu cũng không ngoại lệ. Và, mỗi ngày loại hình tiêu khiển này càng rầm rộ hơn, qui mô hơn. Tất cả có điểm chung là chơi gà kiểng, song mỗi người đến với nó có nhiều lý do, nhiều cung bậc cảm xúc.
Gà kiểng “nội” và thú chơi ngày xưa
Ở
xứ ta tự xa xưa không ít giống gà kiểng. Nào gà tre thì có gà cườm, gà chuối,
gà ô, gà điều, gà cú, gà ó, gà nhạn, gà khét... Dáng gà càng “nhí” càng có giá trị. Và vô số
kể giống gà tre rừng. Tất cả màu sắc cũng rất phong phú, đa dạng. Đồng thời
giống gà nòi (gà chọi) cũng không khác. Cũng thiên hình dạng trạng, nghệ nhân
chơi gà đến bậc “sư phụ” vẫn không thể biết hết. Riêng giống gà Tàu, gà công
nghiệp và nhiều loại gà lai tạp khác thì chỉ có… ăn thịt. Gần đây thì rộ lên gà
Đông Tảo. Giống gà này vừa là chơi kiểng vừa mang về hiệu quả kinh tế cao. Chú
gà trống đến những năm ki-lô-gam lại đắt giá.
Thú
chơi gà ngày xưa của các cụ thuần tính tài tử hơn bây giờ nhiều. Tuy rằng cách
chơi lặng lẽ, đơn giản, không qui mô, đoàn này, hội nọ. Không nhằm vào kinh tế
hay khoe mẽ. Nhưng sự đam mê đến “quên trời đất” và nghệ thuật chơi thì rất công
phu, sành điệu cũng không kém bất cứ loại chơi nghệ thuật nào. Nghệ nhân chăm sóc,
cắt tỉa lông cánh, hay thoa nghệ cho thịt săn chắc, đỏ hồng, tắm bằng nước trà
pha với độ ấm nhất định một cách tỉ mỉ. Nhất là mấy chú gà lông mượt, cánh xệ,
đuôi dài, lông dày luôn được chủ cưng như trứng mỏng. Ba bốn giờ sáng là họ đã
thức dậy cùng với tiếng gà báo sáng, thả hồn vào thú đam mê rồi. Do điều kiện
bấy giờ, đa số nghệ nhân nuôi dưỡng gà bằng kinh nghiệm dân gian truyền lại là
chính. Thi thoảng có dăm ba vị khách cùng sở thích ghé qua thì uống trà, hay
uống rượu, đàm đạo, ngắm gà chơi vậy. “Tác phẩm” của nghệ nhân cũng được xem
như… mồi nhậu. Vì khi chiều xuống, đang lúc nhâm nhi mà “tráng sĩ” vươn đôi
cánh cường tráng, khoe sắc lông rực rỡ, phô diễn tiếng gáy vang rền, khua động
cả khu vườn thì còn gì hấp dẫn cho bằng.
Gà
kiểng ngày xưa giá tiền so với “gà thịt” thì không cao mấy. Nên người chơi nuôi
chỉ… để chơi mà thôi. Nếu quí mến bạn thì tặng làm kỷ niệm, hoặc trao đổi nhằm
thắt chặt tình bằng hữu. Như người chơi cây kiểng, họ xem “tráng sĩ” của mình
là tác phẩm nghệ thuật do mình “sáng tác” là chính. Ít ai chơi gà kiểng nhằm
vào kinh tế. Nên thế giới của nhóm người này lặng lẽ nhưng trong sáng, thanh
cao trong không gian văn hóa giàu cảm xúc. Chẳng làm phiền thê nhi. Thậm chí là
niềm tự hào, niềm vui chung cho cả gia đình.
Gà kiểng “ngoại” và thú chơi ngày nay
Nhiều
năm trở lại đây, do nhu cầu chơi gà kiểng ngoại (đa số là giới thượng lưu, tập
trung ở thành thị) tăng vọt, nhiều giống gà kiểng ồ ạt nhập về Việt Nam. Ban đầu
thì giống gà Thái Lan dòng Chabo: Gà tuyết chuối, gà ô ướt, gà chuối lửa… Dần
dần các giống gà nhiều nước như sóng tràn không ngớt vào nước ta. Nào gà mặt
quỷ, gà kỳ lân, gà vảy cá, gà bướm Mỹ… có đuôi xiên, đuôi quạt. Thậm chí có loại gà
khi trưởng thành, chiếc đuôi của chúng dài đến những bảy mét. Có nhiều “anh
chàng” độc, lạ, chủ sở hữu đưa ra giá lên đến vài chục triệu nhưng vẫn có người
mua. Giới bình dân chỉ có… nuốt nước miếng rồi quay đi mà thôi. Ở TP. Hồ Chí
Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long… dân chơi gà kiểng ngoại rất lớn. Và
những địa phương đó có không ít trang trại cung cấp cho nhu cầu này. Không ít
cơ sở đã phất lên như diều gặp gió. Điển hình nhất là ở Đà Nẵng, có cả Câu lạc
bộ gà kiểng. Có đến hơn năm mươi thành viên. Một tháng đôi lần họ tổ chức sinh
hoạt, trao đổi và tập hợp gà để thưởng lãm nét đẹp của gà kiểng lẫn nhau. Rồi
nào là thi bình chọn gà đẹp… Điển hình nhất là ở huyện Dĩ An, Bình Dương. Địa
phương này tổ chức thi Hoa hậu Nam gà kiểng, mỗi “thí sinh” đều có mang số báo
danh. “Chàng” nào đạt giải cao thì giá tiền cũng cao ngất ngưỡng. Bây giờ “lên
mạng” bất kỳ lúc nào cũng có đăng hình ảnh, video clip hay đăng giá cả từng
loại gà. Không như năm rồi, năm nay mới tháng chín, tháng mười nhiều cơ sở đã
“khóa sổ”, không nhận cung cấp gà kiểng cho những ai có nhu cầu mua gà trong
dịp Tết Đinh Dậu này. Thiết nghĩ nhìn ở giác độ nào đó hiện tượng này là điều
đáng mừng.
Người
chơi gà kiểng bây giờ suy nghĩ có khác. Không ít người tham gia vào cuộc chơi
chỉ vì lợi nhuận, nhằm mua bán để sinh lời. Hay ngộ nhận chứng minh mình có
đẳng cấp, sành điệu. Bởi họ sở hữu đàn gà kiểng lên đến hàng mấy trăm triệu. Nhưng
ngược lại, họ “quê trất”, chẳng biết tận hưởng cái thú chơi, cái đẹp trời cho
là gì. Như vậy ít nhiều có bị vẩn đục trong bầu không khí của thú chơi tao nhã
này chăng? “Nghề chơi cũng lắm công phu” - Cụ Nguyễn Du nói vậy. Gà kiểng ngoại
là loài khó tính. Hành nghề mà không am hiểu để có “chế độ chăm sóc đặc biệt”,
nó đi toi cả đàn thì… chỉ có bỏ của.
Xứ
Chợ Lách ngoài nổi tiếng với trái cây, hoa, kiểng, gần đây phong trào nuôi gà
kiểng cũng rộ lên không kém. Với phong thổ, sông nước, vườn cây ăn trái xứ này
nuôi gà thì lý tưởng quá. Không ít người đã làm giàu từ nghề này. Điển hình như
chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn Tú, anh Tư Mạnh ở Vĩnh Thành, anh Nguyễn Văn Út Lành
ở Tân Thiềng… Nhưng giống gà kiểng nổi tiếng không đâu hơn xứ Tân Châu, Đồng
Tháp. Cũng như gà chọi Bình Định hay Cao Lãnh. Nghe đồn ngày xưa tướng Nguyễn
Cao Kỳ mê đá gà đến nỗi từng nhiều lần thân chinh xuống Cao Lãnh để tìm gà
chiến mua cho bằng được.
Về
mặt phong thủy, nuôi gà kiểng mang lại nhiều điều tốt lành, cũng như công việc
làm ăn thuận lợi. Nên không ít người không có điều kiện chơi, thường mua gà
kiểng… bằng sứ để trưng bày. Nhiều nước phương Tây có truyền thuyết rằng gà
trống tượng trưng cho thần Ares, thần Athenna, hay thần Heracles. Dân tộc Pháp
thì xem gà trống Gaulois là biểu tượng của sức mạnh và lòng quả cảm. Những
truyện cổ dân gian ở xứ ta chưa thấy nói về các giống gà kiểng. Tuy nhiên, loài
gia súc thân thiết này gắn bó với con người từ ngàn xưa nhằm cung cấp thực phẩm
cũng như mang đến niềm vui về đời sống tinh thần rất đáng ghi nhận.
Năm
Đinh Dậu đến, người viết rất cổ vũ cho những ai có nhiều tiền, thỏa mãn thú đam
mê chơi gà kiểng tao nhã cho mùa xuân thêm hương sắc. Nhưng xin đề nghị dừng
lại ở đó. Đừng nổi máu đỏ đen mà chơi chọi gà! Lấy nó làm phương tiện cờ bạc
thì… tội cho gà lắm. Hơn nữa, có khi “bị
gà mổ” đến tán gia bại sản thì khổ cả vợ con. Chưa nói đến việc ngồi ăn Tết ở
đồn Công an thì… chết chắc.