Thông tin cảnh báo dịch tả heo châu Phi

09/06/2019 - 19:16

Lực lượng chức năng kiểm soát nghiêm ngặt dịch bệnh động vật trên cạn tại bến đò Bến Cát, xã Vang Quới Đông (Bình Đại). Ảnh: T.Thảo

Tác hại của dịch bệnh

Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số heo mắc bệnh. Hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Vi-rút DTHCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt heo như xúc xích, giăm bông, salami từ vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Vi-rút có khả năng chịu được nhiệt độ 560C trong 70 phút, 700C trong 20 phút, 1000C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 - 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Không phải loại hóa chất sát trùng nào cũng tiêu diệt được vi-rút DTHCP, mà vi rút này chỉ mẫn cảm với ê-te và chloroform, DTHCP dễ tiêu diệt bởi hóa chất thành phần có I-ốt.

Dấu hiệu nhận biết

Thời gian ủ bệnh 3 - 15 ngày. Heo bệnh có những biểu hiện lâm sàng như: không ăn, lười vận động, ủ rũ, sốt 41 - 42°C (nhưng ngoài bề mặt da sờ vẫn mát). Nằm chồng đống, thích nằm chỗ gần nước, chảy nước mắt, mũi. Có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong. Về tiêu hóa: nôn mửa, có biểu hiện tiêu chảy; tiêu chảy có máu. Trên da có dấu hiệu ửng đỏ, xuất huyết vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có màu sẫm xanh tím. Nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở. Heo nái mang thai có thể bị sẩy thai...

Heo bị nhiễm DTHCP có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bệnh xảy ra ở thể quá cấp tính, có khi không thấy rõ biểu hiện lâm sàng trước khi con vật chết.

Giải pháp ngăn ngừa

Chủ động thực hiện an toàn sinh học là chìa khóa để phòng bệnh DTHCP. Cụ thể:

- Chăn nuôi theo mô hình chuồng kín. Hệ thống chuồng trại có hàng rào xung quanh; tại cửa ra vào trại, dãy chuồng nuôi có hố vôi sát trùng người, phương tiện vận chuyển đi ngang qua.

- Thực hiện chăn nuôi cùng vào - cùng ra. Không nuôi các động vật khác như heo rừng, gà, chó... trong trại.

- Hạn chế người và khách tham quan ra vào trại. Thực hiện quy trình vệ sinh, sát trùng đối với người, phương tiện trước khi vào trại.

- Kiểm soát vật trung gian truyền bệnh theo đường cơ học như ruồi, muỗi, chuột... theo định kỳ.

- Kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào trại heo và nguồn thức ăn cho heo. Tuyệt đối không mang thịt heo sống vào trại. Đối với những hộ, trại sử dụng thức ăn thừa cho heo ăn thì cần phải xử lý nhiệt thức ăn thừa thật kỹ trước khi cho heo ăn.

- Định kỳ thực hiện quy trình vệ sinh sát trùng chuồng trại bao gồm vệ sinh sát trùng khu vực trong chuồng nuôi, khuôn viên trại, các thiết bị, dụng cụ trước khi đưa vào trại... Lưu ý lựa chọn hóa chất sử dụng tiêu độc (vi-rút DTHCP dễ tiêu diệt bởi hóa chất thành phần có I-ốt).

- Thực hiện quy trình tiêm phòng đầy đủ những bệnh khác như: lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo, phó thương hàn, tụ huyết trùng... và tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.

- Người dân thực hiện “5 không”: Không giấu dịch. Không vận chuyển heo nghi bệnh, mắc bệnh. Không giết mổ (tiêu thụ) heo nghi bệnh, mắc bệnh. Không sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi chưa qua xử lý nhiệt. Không vứt xác heo chết ra môi trường.

 - Khi có động vật nuôi mắc bệnh, người chăn nuôi báo cáo cho trưởng ấp hoặc nhân viên thú y xã hoặc UBND xã hoặc trạm chăn nuôi và thú y huyện. Trường hợp khẩn cấp có thể báo cáo cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh theo số điện thoại (0275).3.545.476.

Thạch Thảo (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN