Thăm, tặng quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch Covid-19). Ảnh: Ánh Nguyệt
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất; có quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin. Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến. Với liều lượng 1 picogram (1 phần ngàn tỷ gam) có thể gây nên bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người. Vài chục na-nô-gam (1 phần tỷ gam) có thể lập tức gây chết người. Đặc biệt, chất độc da cam di truyền xuyên thế hệ. Cuộc chiến tranh hóa học đã gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam.
Theo thống kê, 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam bị phun rải, trong đó 86% diện tích bị phun rải trên 2 lần; 11% diện tích bị phun rải trên 10 lần. 86% hóa chất độc hại rải xuống rừng núi, đầu nguồn 28 con sông chính. 14% rải xuống đồng ruộng. Hầu hết các hệ sinh thái rừng của Nam Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã bị tàn phá. Hơn 3 triệu héc-ta rừng nguyên sinh bị hủy hoại. Môi trường trên toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng. Các hệ sinh thái bị đảo lộn. Một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng...
4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và trên 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.
Năm 1982, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam xuất bản quyển sách “Dioxin trong chiến tranh công nghiệp và môi trường”, trang 76, 77, 78 ghi: Đầu năm 1962, đợt khai hoang thí nghiệm trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam có tất cả 18 khu vực:
“1. Rừng ngập mặn
a. Mũi Cà Mau tỉnh An Xuyên thuộc tỉnh Cà Mau ngày nay.
b. Cửa sông Mê Kông tỉnh Trà Vinh.
c. Cửa sông Mê Kông tỉnh Kiến Hòa, nay là tỉnh Bến Tre.
2. Vùng kênh rạch canh tác nông nghiệp (trồng lúa, cây ăn trái, hoa màu).
Tập trung vùng Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre ngày nay)”…
Nguồn số liệu của Ủy ban Điều tra hậu quả chất độc hóa học 10-8 (nay là Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam).
Bến Tre có diện tích bị rải chất độc hóa học 444km2, chiếm khoảng 20% diện tích toàn tỉnh.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội điều tra năm 1999, tổng dân số trong vùng bị rải chất độc hóa học 189.000 người so với dân số thời kỳ 1961 - 1971(1); số hộ có người bị nhiễm chất độc hóa học 4.744 hộ; tổng số người bị nhiễm chất độc hóa học 14.576 người; còn sống 13.370 người, chết 1.206 người; dị dạng, dị tật là con đẻ 5.232 người, cháu nội, cháu ngoại 71 người(2).
Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Khắc phục hậu quả thảm họa da cam là lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Nạn nhân chất độc da cam, họ rất cần, cần lắm sự chia sẻ, quan tâm của cộng đồng, của chúng ta và của mọi người.
D.C
1. Nguồn số liệu Ủy ban 10-8 nay là Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
2. Nguồn số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội điều tra năm 1999.