|
Tại một điểm thu mua trái cây ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú. |
Những năm gần đây, ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đê bao chính; hộ dân liên kết làm đê bao cục bộ, cống cấp, thoát nước hình thành hệ thống đê bao liên hoàn và khép kín. Ngành hữu quan phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Ngày càng xuất hiện nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn và thành công trong việc “bắt” cây trồng cho trái rải vụ, nghịch vụ. Thế nhưng, từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình thời tiết diễn biến thất thường đã gây bất lợi cho nhiều loại cây trồng trong đơm bông kết trái. Đây cũng là thách thức đối với nông dân…
Thời tiết gây khó cho nhà vườn
Khoảng một tháng nay, nhiều nông dân ở các xã Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy (Châu Thành) đã vào vụ thu hoạch sầu riêng, chôm chôm. Nếu năm nay không nhuần (2 tháng 4âl) thì đây là vụ thu hoạch vào dịp Tết Đoan Ngọ. Đối với nhà vườn đây là vụ thuận, cây trồng đơm bông, đậu trái theo quy luật tự nhiên, không phải can thiệp nhiều bằng biện pháp kỹ thuật. Nhưng thời tiết diễn biến thất thường đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả vụ thu hoạch. Nông dân Cao Đình Đẩm (xã Tân Phú) cho rằng, nông dân rất thành thạo trong việc ứng dụng biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để chăm sóc cây trồng nhưng thời tiết là yếu tố quan trọng, quyết định năng suất cây trồng. Ông Đẩm minh chứng: Vườn của ông và một hộ dân lân cận cùng trồng sầu riêng. Cây trồng trổ bông chênh lệch chỉ vài ngày nhưng tỷ lệ đậu trái khác nhau. Cây trồng trong vườn của ông Đẩm trổ bông ngay thời điểm nắng nóng gay gắt lại gặp phải cơn mưa trái mùa, trái đậu chỉ 50%. Ông Đẩm có 8 công đất trồng sầu riêng, do trồng cây không cùng thời điểm, nên chỉ phân nửa diện tích đất trồng cây cho trái ổn định. Năm 2009, ông thu hoạch trái bán được 50 triệu đồng, năm 2010 tăng lên 100 triệu đồng, năm 2011 tăng lên 170 triệu đồng. Năm nay, cây trổ bông, kết trái sai hơn các năm trước nhưng do mưa trái mùa, tỉ lệ đậu trái thấp. Sản lượng trái thu hoạch giảm đáng kể, nhưng nhờ giá bán cao hơn so với năm 2011 từ 2.000 - 3.000 đồng/kg nên thu được hơn 100 triệu đồng. Nông dân Phạm Văn Lẹ (xã Tân Phú), có 2 công đất trồng sầu riêng, ngay thời điểm trổ bông gặp mưa trái mùa, tỷ lệ đậu trái chỉ đạt 20 - 30%, nếu tính chi phí phân, thuốc xem như không có lãi. Hiện ông Phạm Văn Lẹ còn 3,5 công đất trồng chôm chôm. Cây trồng bước vào giai đoạn làm bông được 2 phân, phải đợi 30 ngày nữa mới đánh giá được sản lượng. Theo nhiều nhà vườn, năm nay, giá trái cây có tăng nhưng vẫn không theo kịp chi phí vật tư đầu vào. Một số nhà vườn thiếu vốn nên phải mua phân, thuốc trả sau (đến thời điểm thu hoạch mới trả tiền) thì càng khó khăn hơn.
Nhiều điểm du lịch sinh thái thất thu
Vào thời điểm này năm ngoái, ở Tân Phú, men theo những con đường bê-tông vào các điểm du lịch sinh thái, có rất đông du khách đến với những vườn chôm chôm trái trĩu cành. Nhưng bây giờ, cảnh tượng rất đìu hiu. Cả 10 điểm du lịch sinh thái của xã đều vắng bóng khách tham quan. Ông Nguyễn Văn Hóa (chủ cơ sở du lịch sinh thái ở Tân Phú) cho biết, hàng năm, bắt đầu từ ngày 30-4, điểm du lịch của ông đón khách cho đến cao điểm là Tết Đoan Ngọ. Nhưng năm nay lượng khách đến giảm 1/3 so với trước. 6 công đất trồng chôm chôm phục vụ khách tham quan du lịch cũng không “mỉm cười” với ông. Cây trồng vừa nhú bông đã gặp mưa trái mùa, đâm đọt non, chỉ còn 1 công chôm chôm đậu trái nhưng phải đến tháng 6âl mới thu hoạch. Nguồn thu từ cây trồng chưa thấy nhưng ông đã bỏ ra 4 triệu đồng mua phân, thuốc chăm sóc cây trồng. Hiện tại, ông Hóa và nhiều nhà vườn kinh doanh du lịch sinh thái đã “sửa soạn” vườn cây trồng sạch đẹp, dựng lều để chuẩn bị đón khách tham quan vào dịp Tết Đoan Ngọ. Để hài lòng “thượng đế”, các điểm du lịch sinh thái gắn kết với các nhà vườn có cây cho trái thu hoạch để mua trái cây phục vụ yêu cầu khách tham quan. Ông Cao Đình Thận (chủ cơ sở du lịch sinh thái Tân Phú) cho biết, trái cây không thiếu, chỉ cần đến những vườn có trái cây mua về bán lại cho khách tham quan với giá chênh lệch từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nhưng cái khó là khách tham quan muốn vào tận vườn hái trái trên cây, nhưng không phải hộ dân nào cũng đồng ý cho người khác vào vườn cây của mình. Còn ông Hóa trăn trở: Năm 2011, 6 công đất trồng chôm chôm cho trái thu hoạch kết hợp với dịch vụ ăn uống đem lại nguồn thu 80 triệu đồng. Năm nay, chỉ hy vọng thu được phân nửa…
Ông Võ Hoàng Bá - Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, toàn xã có 1.560ha đất trồng cây ăn trái các loại. Những năm gần đây, hệ thống đê bao khép kín, hộ dân có kinh nghiệm trong việc xử lý cây cho trái rải vụ, đã khắc phục tình trạng thu hoạch tập trung vào vụ thuận, đụng trái cây của các tỉnh miền Đông, phải bán giá thấp. Các hộ dân có nhiều nỗ lực điều chỉnh lịch thu hoạch, nhưng thời tiết đã cản ngại rất lớn. Một số hộ, sản lượng trái cây thu hoạch giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống. Theo ông Bá, ngay thời điểm Tết Đoan Ngọ, xã có khoảng 30ha đất trồng sầu riêng và chôm chôm cho trái thu hoạch. Hiện các điểm du lịch sinh thái đã gắn kết thu mua để phục vụ khách tham quan. Năm trước, chỉ trong 2 ngày mùng 4 và 5âl, khách tham quan đã thưởng thức tại vườn và mua đem về khoảng 50 tấn trái cây. Tết Đoan Ngọ năm nay đúng vào dịp học sinh nghỉ hè, có thể có nhiều người tìm đến vùng quê sông nước, vườn cây trái đặc sản để vui chơi, giải trí, nhưng… sản lượng trái cây sẽ không dồi dào.