Thời gian trong mắt tôi

07/07/2023 - 05:20

BDK - Tập sách “Thời gian trong mắt tôi” là tổng hợp những hồi ký, tùy bút, cảo luận của Giáo sư, Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp (1911 - 2006). Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh in và phát hành lần đầu tiên năm 1993, nay được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh in lại lần thứ hai, có bổ sung vào năm 2022.

Bìa sách “Thời gian trong mắt tôi”

Những câu chuyện hay

Theo Lời tựa của bà Trần Kiều Lan - con gái út của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tập sách chứa đựng những tâm huyết, tình cảm của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khi ghi lại những tháng ngày sôi động, trong sáng, nhiệt huyết của một trí thức đã để lại tất cả để theo cách mạng, phục vụ nhân dân trong dòng chảy của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhiều bài viết của ông được tổng hợp trong tập sách trước đây được đăng trên các báo như: Sài Gòn Giải Phóng, Công an TP. Hồ Chí Minh, Pháp Luật… đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong lần tái bản thứ hai này, gia đình cũng có bổ sung thêm nhiều hình ảnh tư liệu quý, minh họa cho các bài viết, cũng như hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.

Tập sách được chia làm hai phần: Hồi ký và Tùy bút - Cảo luận. Phần Hồi ký, có 14 bài, ghi lại những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông, nổi bật như: “Những ngày thơ ấu ở Tân Thủy”, “Những ngày hoạt động trong Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho năm 1945”, “Mùa Thu rồi, ngày 23…”, “Thời chúng tôi đứng trên bục giảng”, “Những ngày tôi làm thầy thuốc riêng cho bác Tôn”. Đặc biệt, có bài viết “Một cuộc đối thoại với quê hương sau 40 năm”. Đây là bài viết của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trong chuyến về Bến Tre dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn 99, được đăng trên Báo Đồng Khởi Xuân 1989. Thông qua các bài viết của ông, đã phác họa cho bạn đọc về bức tranh quê hương, đất nước trong giai đoạn hai cuộc kháng chiến khốc liệt, những gian lao, hy sinh mà các thế hệ cha anh đã đi qua, thực trạng xã hội những năm đầu sau giải phóng.

Phần Tùy bút - Cảo luận, gồm: 12 bài viết, chứa đựng những tâm tư, trăn trở của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp với những vấn đề đặt ra đương thời, nhưng có giá trị đến thời nay. Đáng chú ý như: Nghĩ về lời thề người đảng viên, Nhân nghĩa của người thầy thuốc Việt Nam, Suy nghĩ về Nguyễn Đình Chiểu nhân ngày giỗ lần thứ 100 (1988).

Những câu chuyện được kể lại trong sách không chỉ là kỷ niệm của riêng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mà thật sự giống như tên cuốn sách đã khái quát: “Thời gian trong mắt tôi”. Chiến tranh và hòa bình, những nẻo đường chiến đấu, những đồng chí, đồng đội thân thương, tất cả như thước phim được trình chiếu lại qua đôi mắt khắc khoải của người trí thức Tây học dành trọn cuộc đời cho cách mạng.

Viết lời giới thiệu trong bản in “Thời gian trong mắt tôi” năm 1993, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia sẻ: “Năm 1949, trong vùng kháng chiến đất U Minh, tình cờ tôi đọc được quyển “Hồ Chủ tịch trong lòng dân tộc” của tác giả Hằng Ngôn của Nhà xuất bản Bến Tre. Đó là quyển sách văn học đầu tiên tôi được đọc trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp và đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc… Sau này, tôi được biết, tác giả Hằng Ngôn chính là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Lỗ Tấn là bác sĩ, A.P Chekhov là bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là thầy thuốc. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp viết báo, viết văn đối với tôi không còn lạ nữa! Từ đó đến nay, tôi luôn được đọc của anh trên nhiều mặt báo. Những bài viết sau này của anh vẫn để lại trong tôi cái ấn tượng, hấp dẫn ban đầu, vẫn tươi xanh dòng ngôn ngữ của người dân Nam Bộ: mộc mạc, duyên dáng và mặn mà. Quý hơn, dưới những dòng chữ của anh là sự uyên bác của một trí thức: y học của văn học. Y học của người thầy thuốc, trong anh đã cất tinh thành văn học…”.

Cuốn sách “Thời gian trong mắt tôi” hiện đang được phục vụ bạn đọc tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng

Giáo sư, Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp sinh ngày 15-3-1911 tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông là một bác sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, với điểm “tối ưu” và được tu nghiệp tại Pháp. Năm 1939 trở về nước, ông mở phòng mạch và bệnh viện tư tại Mỹ Tho và nổi tiếng không chỉ vì là bác sĩ giỏi nghề mà còn vì lòng nhân ái, sẵn sàng cưu mang giúp đỡ những người nghèo khó không lấy tiền.

Tháng 8-1945, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng với nhiều trí thức có tên tuổi khác tham gia giành chính quyền ở Mỹ Tho. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, ông được phân công làm Ủy viên Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh tỉnh Mỹ Tho. Ông từ bỏ cuộc sống giàu sang, thoát ly gia đình lên chiến khu cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến.

Tháng 3-1946, ông được lệnh tham gia đoàn đại biểu nhân dân Nam Trung Bộ ra Trung ương báo cáo tình hình và xin chi viện vũ khí. Đoàn, gồm: Giáo sư Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và bà Nguyễn Thị Định. Sau chuyến đi đó, ông được Trung ương giữ lại và phân công về công tác tại Cục Quân y. Đến giữa năm 1947, ông trở về Nam Bộ bắt tay xây dựng ngành dân y, đào tạo cán bộ ngành y tế và nhân viên y tế. Với trọng trách Giám đốc Sở Y tế quân dân y Nam Bộ, trực tiếp phụ trách Khu 8, ông đã mở nhiều lớp đào tạo y sĩ quân, dân y, mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của quân đội và nhân dân.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tập kết ra Bắc và đảm nhiệm trọng trách Trưởng ban Huấn luyện Bộ Y tế và Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí “Y học thực hành”. Năm 1956, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ y tế Trung ương. Đây là trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp dân y lớn nhất nước thời đó.

Năm 1965, ở tuổi 55, ông lại tiếp tục vượt Trường Sơn trở về Nam làm công tác đào tạo cán bộ ngành y, hướng dẫn điều trị tại Bệnh viện Dân y Hoàng Lệ Kha. Cho đến sau ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975, Giáo sư, Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp vẫn tiếp tục làm công tác giảng dạy cán bộ y tế và tham gia Ủy ban Mặt trận TP. Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu.

Giáo sư, Bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc. Đồng thời, là nhà văn, nhà báo tài năng. Ông viết rất nhiều bài cho nhiều tờ báo chuyên sâu về ngành y, về con người và thời cuộc, được bạn đọc đánh giá cao. Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Nhà giáo nhân dân, nhà văn, nhà báo là một nhân cách lớn, một trí thức lớn được tôi luyện trong chiến tranh nhân dân, đã đi cùng nhân dân trong suốt chặng đường 30 năm đầy gian khổ và thắng lợi vẻ vang.

Ông được phong tặng Nhà giáo nhân dân năm 1988, mất năm 2006 tại TP. Hồ Chí Minh. Cuộc đời đầy lý tưởng và trải nghiệm của ông là cả một kho tư liệu quý giá cho các thế hệ học tập, noi theo.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN