Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, trong thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Chợ Lách đã làm tốt công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh huyện. Nhờ đó, hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đổi mới cách thức sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Chị Thi thoát nghèo từ nghề sản xuất hoa kiểng.
Đồng hành cùng người nghèo
Tính đến tháng 9 năm 2018, nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân ở Chợ Lách có vốn làm ăn, tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thi ở ấp Thanh Xuân, xã Hưng Khánh Trung B là một trong những hộ thoát nghèo từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác của Hội Nông dân huyện thông qua Ngân hàng CSXH. Năm 2013, vợ chồng chị được cha mẹ cho ra ở riêng với 1.000m2 đất nông nghiệp, nhưng không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào tiền làm thuê của hai vợ chồng, kinh tế gia đình nhiều lúc rất khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thi cho biết: “Năm 2015, vợ chồng tôi đăng ký theo học lớp dạy nghề sửa kiểng bon sai cây cảnh do Hội Nông dân xã Hưng Khánh Trung B tổ chức. Sau đó, đã mạnh dạn làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH để mua cây nguyên liệu sản xuất kiểng bon sai và cây cảnh. Sau hơn 2 năm chăm sóc, tạo dáng, tạo hình vườn kiểng của mình đã hoàn chỉnh với các chủng loại như nguyệt quế, mai chiếu thủy, vú sữa, linh sam”. Chị Thi cũng cho biết thêm, ngoài thời gian chăm sóc vườn kiểng của gia đình, anh chị cũng tranh thủ đi sửa kiểng thuê ở các xã lân cận để tăng thêm thu nhập. Hiện tại, gia đình chị Thi được công nhận thoát nghèo với mức thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Gia đình của chị Nguyễn Thị Kim Bằng ở xã Tân Thiềng cũng là một điển hình thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Là hộ nghèo, không vốn sản xuất nên vợ chồng chị Bằng tự xem việc làm thuê là nghề nghiệp chính của mình. Công việc làm thuê không ổn định, nhiều năm lao động vất vả mà cũng không sao thoát được cái nghèo. Năm 2015, cơ hội mở ra với gia đình chị Bằng khi Hội Nông dân xã giới thiệu cho vợ chồng chị vay 50 triệu đồng từ ngốn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH để làm vốn cải tạo vườn sản xuất cây giống. Với số vốn này, vợ chồng chị Bằng đã cải tạo gần 2.000m2 vườn tạp và mua hạt giống để ươm cây sầu riêng gốc ghép. Chị Bằng sử dụng gần 40 triệu đồng để mua gần 1 tấn hạt giống, phần còn lại chị đầu tư cải tạo đất và lắp đặt hệ thống tưới bằng bec phun. Sau hơn 2 năm cần mẫn lao động, đầu năm 2018, vợ chồng chị Bằng xuất bán hơn 20 ngàn gốc ghép sầu riêng, với giá bán 22 ngàn đồng/gốc. Sau khi trừ đi chi phí, chị Bằng có lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Gia đình chị Bằng đã được công nhận thoát nghèo trong năm 2017 và vươn lên là hộ có kinh tế ổn định ở địa phương. “Nhờ Ngân hàng CSXH hỗ trợ vốn mình mới có điều kiện để đầu tư cải tạo vườn, mới có được thu nhập ổn định, có cơ hội xây dựng nhà cửa đàng hoàng. Hiện tại, mình qua được cái nghèo thì phải chí thú làm ăn để vươn lên, nuôi dạy con cái ăn học chu đáo hơn”, chị Nguyễn Thị Kim Bằng vui vẻ nói.
Đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng
Ngân hàng CSXH huyện đã luôn làm tốt vai trò cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Ông Lê Thanh Hiếu - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Chợ Lách cho biết: “Tính đến cuối năm 2018, Ngân hàng CSXH huyện Chợ Lách đã cho 4.800 hộ là hội viên, nông dân vay vốn với tổng nguồn vốn đã giải ngân hơn 82 tỷ đồng. Trong đó hộ nghèo là 468 hộ, hộ cận nghèo là 669 hộ, hộ mới thoát nghèo là 584 hộ, còn lại là hộ vay học sinh, sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường và nhà ở xã hội. Qua đó, nhiều hộ vay vốn đã làm ăn hiệu quả, tạo được sinh kế bền vững, không những thoát nghèo mà nhiều hộ còn vươn lên làm giàu, có điều kiện kinh tế khá giả”.
Ông Ngô Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, các cấp hội tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, tập trung kéo giảm nợ quá hạn. Hội Nông dân huyện chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH và các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn phân công cán bộ có năng lực thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ từng trường hợp vay vốn, đảm bảo nguồn vốn vay phát huy được hiệu quả tốt nhất”.
Bài, ảnh: Cao Khiết