Chị Trần Thị Kim Trâm chăm sóc đàn bò.
Nuôi bò sinh sản
Cán bộ giảm nghèo, trẻ em xã Đại Hòa Lộc Đoàn Thị Kim Phượng cho biết, tấm gương thoát nghèo của chị Trần Thị Kim Trâm là một điển hình tiêu biểu của hộ nghèo trên địa bàn xã. Nhà đông con, ít đất, thiếu vốn sản xuất nhưng những người con của chị luôn hiếu thảo, được cho ăn học đến nơi đến chốn - người con gái lớn hiện đã là thạc sĩ và đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu chỉ 15 triệu đồng, chị mua bò sinh sản về nuôi và gầy đàn, đến nay, đàn bò của chị lên đến 7 con, trong đó, bò sinh sản có 4 con. Chị đã thoát nghèo bền vững từ cuối năm 2018. Đầu năm 2020, chị Trâm cũng vừa xây dựng được căn nhà kiên cố khá khang trang.
Chị Trần Thị Kim Trâm, sinh năm 1971, lập gia đình vào năm 1995 và có 3 con. Theo lời kể của chị Trâm, cha mẹ cho được 4 công đất ruộng nhưng chỉ làm lúa một vụ mà không ăn chắc vì nước mặn và xung quanh bà con đều đào ao nuôi tôm. Thiếu vốn sản xuất nên gia đình chị cứ phải làm lúa. Cuộc sống gia đình rất bấp bênh vì đông con, chị bươn chải đủ nghề. Chồng chị thì làm thuê, bữa có, bữa không. Năm 2016, hộ chị rơi vào hoàn cảnh nghèo vì con đông và tiền chi tiêu ăn học của các con. Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ xã bãi ngang, qua rà soát và bình xét, đánh giá của các đoàn thể, hộ chị Trâm được đưa vào tham gia Đề án sinh kế. Chị được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi. “Mua về vài tháng sau, phối giống và có thai, đẻ ra 1 con nghé cái rất đẹp. Từ đó, tôi bắt đầu gầy giống. Cứ thế, bò đực thì sau 5 - 6 tháng là bán, bò cái thì để lại nuôi. Thấy chăn nuôi có lời vì chỉ bỏ công, tôi mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (30 triệu đồng) mua thêm 1 con bò sinh sản nữa. Nhờ có đàn bò và tiền gửi về của hai đứa con nên mới xây dựng được căn nhà và tôi xin thoát nghèo” - chị Trần Thị Kim Trâm cho biết.
Giảm gần 4% hộ nghèo
Xã Đại Hòa Lộc có 4 ấp, với 2.402 hộ dân, gần 8.000 nhân khẩu. Nếu như năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 14,53% (349 hộ với 993 nhân khẩu, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ gần 5% (120 hộ với 437 nhân khẩu) thì đến cuối năm 2019, qua bình xét, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm còn 10,82% (260 hộ với 670 nhân khẩu), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,91% (118 hộ). Qua 3 năm (từ 2017 - 2019) triển khai thực hiện Đề án sinh kế, toàn xã có 32 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ vốn từ nguồn hỗ trợ xã bãi ngang để vươn lên thoát nghèo bền vững, với tổng vốn 535 triệu đồng (bình quân mỗi hộ được hỗ trợ từ 15 - 20 triệu đồng).
Cán bộ giảm nghèo, trẻ em xã Đại Hòa Lộc Đoàn Thị Kim Phượng cho biết, kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của các đoàn thể. Với phương châm “cùng nghĩ, cùng làm” với người nghèo, các đoàn thể tích cực hỗ trợ, theo dõi, hướng dẫn và xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, đúng hoàn cảnh của từng đối tượng. Từ đó, đã nâng cao nhận thức của người nghèo, họ chí thú làm ăn. Hiện nay, các mô hình chủ yếu là chăn nuôi bò và dê sinh sản. Đây cũng là hai con vật nuôi phù hợp, ít dịch bệnh. Hiện nay, các mô hình đều phát triển khá tốt, cho thu nhập ổn định và bà con nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Riêng Đề án sinh kế năm 2020, hiện nay, qua bình nghị, có 18 hộ tham gia.
Là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao so với mặt bằng chung của huyện, việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm qua (gần 4%) là sự thành công của địa phương. Kết quả này giúp Đại Hòa Lộc sớm thoát ra khỏi xã nghèo, tiến tới xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Bài, ảnh: Thành Lập