Thoát nghèo nhờ cây mai vàng

24/04/2017 - 07:08
Anh Nguyễn Văn Thình (ngoài cùng, bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trong việc uốn, sửa, tạo tán cho cây mai.

Ngoài sở thích yêu vẻ đẹp của cây cảnh, anh Nguyễn Văn Thình, sinh năm 1969, ở ấp Thạnh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú còn là một nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn học hỏi và áp dụng kỹ thuật vào trồng cây mai vàng đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, anh đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được nâng lên.

Với kiến thức có được từ các lớp tập huấn và tự tìm hiểu qua sách báo, mỗi ngày, anh Thình đều dành hầu hết thời gian cho việc uốn, sửa, tạo tán cho số mai đã trồng trước đó. “Với cái nghề này, người chơi không được nóng vội, phải chịu khó, kiên trì, tâm hồn phải thông thì mới có kết quả” - anh Thình chia sẻ.

Sau gần 3 năm nỗ lực “vừa học vừa làm”, năm 2010, anh đã cho ra thị trường những sản phẩm đầu tiên và hiệu quả bước đầu khá tích cực. Khi tay nghề đã vững, anh nhận bứng, trồng, sửa và chăm sóc mai cho các hộ có nhu cầu. Đồng thời, anh hợp đồng với 3 - 4 hộ nuôi trồng dài hạn, với số lượng vài chục gốc mai/hộ, ăn chia theo tỷ lệ % giá trị bán được. Tích góp sau vài năm, anh Thình mua thêm 3 công đất gần nhà trồng mai nguyên liệu và xây nhà.

“Một cây mai bắt đầu cho giá trị kinh tế sau khoảng 10 năm nuôi trồng. Vì vậy, ngoài trồng mai nguyên liệu với hàng ngàn cây lớn nhỏ hiện có, tôi còn tìm mua những cây mai có gốc ưng ý, thân đẹp về dưỡng. Giá trị cây mai sẽ tăng lên gấp nhiều lần nếu được chăm sóc bài bản, cho “ra vẻ”, bán đúng thời điểm” - anh Thình nói.

“Bây giờ làm cái gì cũng phải gắn chặt với thị trường và kỹ thuật là khâu quan trọng nhất. Mình phải biết sở thích người chơi. Chẳng hạn, trước đây người chơi thích mai dáng bonsai, bây giờ thì chuyển qua thích mai có tán rộng, hoa có cánh đầy... Theo tôi nghĩ, không phải chỉ riêng nghề trồng mai, mà nghề nào cũng vậy, muốn sản xuất hiệu quả, cần phải tìm hiểu nhu cầu thị trường, sản xuất ra những loại sản phẩm chất lượng, đúng thời điểm thị trường ưa chuộng thì bán được giá cao” - anh Thình nhận định.

Từ khi đến với nghề cho đến nay, anh Thình đã cho ra thị trường trên 50 sản phẩm, cây mai có giá trị cao nhất hơn 50 triệu đồng, thấp nhất cũng dăm ba triệu đồng/cây. Tính chung thu nhập từ nghề trồng, chăm sóc mai kết hợp với nghề thú y, chăn nuôi bò cộng với khoảng 150 gốc dừa đang cho trái, thu nhập bình quân của gia đình anh Thình đạt từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện hai năm liền (2015 - 2016).

Hiện trong vườn nhà anh có khoảng 130 cây mai vừa và lớn, trong đó có nhiều cây được nuôi trồng từ 10 năm trở lên hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, anh đang sở hữu cây mai cao khoảng 4,5m, đường kính tàn khoảng 6m. Theo anh, cây mai này đã hơn 22 năm tuổi, gần đây có một số cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh đến hỏi mua với giá hơn 300 triệu đồng nhưng anh chưa bán. Dự định của anh Thình sắp tới là tiếp tục đưa nghề trồng mai phát triển hơn nữa, trong đó sẽ nghĩ đến tính hiệu quả của việc cho thuê mai, nhất là vào dịp Tết…

Bài, ảnh: Vĩnh Ngã Thừa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN