Chồng chị Phượng chăm sóc đàn bò của gia đình.
Theo chân cán bộ giảm nghèo - trẻ em xã Cao Nhựt Nam, chúng tôi đến thăm hộ chị Nguyễn Thị Phượng - Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 7, ấp Tân Hòa, xã Tân Thanh. Chị Phượng hồ hởi: “Lâu quá không gặp cậu Nam nghen, sao không thấy đến nhà chơi vậy”. Nam cười. “Cái ơn của cậu, vợ chồng tôi không quên!” - chị Phượng nói. Điều này, làm tôi nhớ đến phương châm của cán bộ giảm nghèo là “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo.
Lập gia đình, hai vợ chồng chị Phượng ra riêng, “không cục đất chọi chim”, chỉ vỏn vẹn có một cái nền nhà để ở. Cả hai vợ chồng phải bươn chải đủ nghề để sinh sống và lo cho con ăn học. Anh Nam cho biết, trước đây, chồng chị sống bằng cái nghề “rập chim”, theo mùa, thu nhập bấp bênh. Hộ chị Phượng rơi vào cảnh nghèo từ năm 2017. Sau khi đứa con gái đầu lòng của chị là cháu Nguyễn Thị Thúy Mai tốt nghiệp THPT vào năm 2018, anh Nam đã đến nhà anh chị tuyên truyền, vận động, thuyết phục đưa cháu Thúy Mai tham gia hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhận thức được lợi ích thiết thực và những kết quả từ hộ nghèo có hoàn cảnh tương tự, có con em tham gia đi hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài, vợ chồng chị Phượng đã đồng tình cao. Năm 2018, cháu Nguyễn Thị Thúy Mai chính thức “bay” sang hợp tác lao động tại thị trường Nhật Bản.
Sau 2 năm làm việc, từ việc tích góp, cháu Thúy Mai đã gửi tiền về giúp cho anh chị trang trải cuộc sống, xây mới được 1 căn nhà khá khang trang. Anh Nam cho biết, hai vợ chồng vừa mua được 2 công đất; có vốn, anh chị làm kinh tế với việc chăn nuôi bò (3 con) và dê (6 con). “Số tiền vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, từ nay đến cuối năm hoặc đầu đầu tới sẽ trả xong” - chị Phượng cho biết. “Hồi đó, vì thương con, không muốn con xa mình, hai vợ chồng còn ngán ngại. Nhờ anh Nam thuyết phục, tư vấn, vợ chồng tôi mới thông suốt. Có được như hôm nay là nhờ Nam hết đó” - chồng chị Phượng nói.
Triển khai Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, sau khi bình nghị, rà soát, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia xã Tân Thanh đã đưa vào đề án 29 hộ có điều kiện. Ban Chỉ đạo đã phân công từng đoàn thể, cán bộ giảm nghèo phụ trách theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” cùng xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với ý định, mong muốn của hộ nghèo.
Theo anh Nam, bên cạnh các mô hình chăn nuôi như bò, dê thì việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục hộ nghèo, hộ cận nghèo có con em trong độ tuổi lao động tham gia hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài được Mặt trận và các đoàn thể tập trung quyết liệt. Tân Thanh là một trong những địa phương làm rất tốt công tác này và hiệu quả mang lại rất thiết thực, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Đề án được thực hiện từ năm 2016 và kết thúc từ cuối năm 2019, 29 hộ tham gia đều thoát nghèo và cận nghèo. Trong đó, có 10 hộ nghèo có con em tham gia hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đến cuối năm 2019, toàn xã còn 298 hộ nghèo (giảm 48 hộ so với năm 2018), chiếm 9,07%; 137 hộ cận nghèo, chiếm 4,17%. Bên cạnh việc tạo sinh kế, trong những năm qua, địa phương cũng đã vận động xây dựng và bàn giao 18 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở để “an cư lạc nghiệp”.
Từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách của Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia kết dư trên địa bàn tỉnh đã phân bổ cho xã Tân Thanh hơn 309 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Hiện nay, địa phương đã họp bàn, thống nhất danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo để triển khai, hỗ trợ và xây dựng các mô hình chăn nuôi cho người nghèo trong thời gian tới. |
Bài, ảnh: Thành Lập