Thiết thực chương trình “Đồng khởi thoát nghèo”

14/01/2019 - 07:25

BDK - “Đồng khởi thoát nghèo” là một trong ba phần của chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”. Nội dung tập trung các hoạt động hỗ trợ sinh kế theo từng nhóm đối tượng phù hợp (trừ các hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội) nhằm giúp cho các hộ này thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các hộ gia đình có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững tiêu biểu năm 2018.

Quyết tâm thoát nghèo

UBND tỉnh vừa khen thưởng cho 10 hộ gia đình vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững năm 2018. Cầm bằng khen trên tay, chị Nguyễn Thị Trúc (hộ Lê Văn Đạt, ngụ xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) không khỏi xúc động. Thành quả lao động của chị không chỉ giúp gia đình ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững mà còn được xã hội công nhận thành tích vươn lên.

Kể từ ngày chồng chị Nguyễn Thị Trúc (anh Lê Văn Đạt) bị tai nạn lao động, bị liệt phải nằm một chỗ, gia đình lại không có vốn làm ăn, chị trở thành chỗ dựa duy nhất cho chồng và hai con nhỏ. Trước gia cảnh khốn khó, hộ Lê Văn Đạt được bình xét là hộ nghèo của xã. Những tưởng hoàn cảnh khó khăn sẽ quật ngã người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng chị đã quyết tâm vượt khó. Có 1,5 công đất vườn, chị Nguyễn Thị Trúc được cán bộ UBND xã Phú Hưng hướng dẫn vay 50 triệu đồng để nuôi 1.000 con vịt lấy thịt. Sau 2 năm phấn đấu, chị trả được nợ, tiếp tục vay lần hai, cộng với số vốn tích lũy, chị mua thêm 2.000 con vịt. Kinh tế gia đình dần ổn định, đứa con gái lớn vừa tốt nghiệp lớp 12, hiện đi làm công nhân, đứa con nhỏ tiếp tục việc học hành. Ánh mắt chị Trúc rạng ngời niềm phấn khởi: “Mình đã được giúp “cần câu” thì phải ráng câu được cá, cũng nhờ đồng vốn và sinh kế là nghề chăn nuôi vịt mà mình thoát nghèo”.

Cùng niềm vui mừng, anh Đỗ Văn Nhơn, ngụ xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam nói: “Cầm bằng khen trên tay tôi vui đến run cả người”. Thành Thới A là xã bãi ngang, anh Đỗ Văn Nhơn là hộ nghèo, đất đai ít. Hộ anh thoát nghèo nhờ con gái lớn 21 tuổi đi lao động ở Nhật Bản. “13 ngày nữa là tròn một năm kể từ ngày con gái đi lao động, mỗi tháng cháu gửi về nhà khoảng 23 triệu đồng, cộng với vợ đi may ở gần nhà, mỗi tháng vài triệu nữa, nên năm 2018 tôi đăng ký thoát nghèo. Tôi cũng vừa mới mua được 2 con bò hết 40 triệu đồng”, anh Nhơn khoe.

Hộ chị Nguyễn Thị Trúc, anh Đỗ Văn Nhơn là tấm gương tiêu biểu cho hộ nghèo quyết tâm vượt khó, vươn lên, không làm gánh nặng cho xã hội. Họ còn là tấm gương lao động cần cù, chân chính cho con cái noi theo.

Buổi khen thưởng kết thúc, các hộ gia đình nhận khen thưởng quầy quả ra về. Chị Trúc nói, 2.000 con vịt đang chờ ở nhà, giờ này chắc nó đói, quần inh ỏi. Còn anh Đỗ Văn Nhơn cũng vội vã ra về với đứa con gái nhỏ 6 tuổi đang ở nhà chờ.

Hơn 5,8 ngàn hộ thoát nghèo bền vững

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh có 15.858 hộ tham gia đề án. Đến nay, có gần 9 ngàn hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp, hơn 2,8 ngàn hộ sản xuất phi nông nghiệp, trong đó có 431 lao động tham gia khởi nghiệp bằng con đường đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua rà soát hộ nghèo cuối năm 2018, đã có 8,4 ngàn hộ thoát nghèo, trong đó có 5.854 hộ thoát nghèo bền vững theo 3 tiêu chí: thỏa mãn các nhu cầu cơ bản theo tiêu chí đa chiều, thu nhập tăng và duy trì ở mức trung bình trở lên, thoát nghèo bền vững và không tái nghèo.

Đạt được kết quả trên phải kể đến vai trò của công tác hỗ trợ vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong 3 năm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hỗ trợ trên 10 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện trên 283,5 tỷ đồng, trong đó đa phần là vay để chăn nuôi, bình quân dư nợ gần 30 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có trên 11 ngàn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định, chủ yếu là các nghề cơ khí, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, kỹ thuật nề, lái xe, kỹ thuật chăn nuôi…

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Khi số lượng hộ nghèo giảm càng nhiều, thì về sau số thoát nghèo, giảm nghèo càng khó. Do đó cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao kinh nghiệm quản lý, điều hành, hướng dẫn của đội ngũ quản lý, ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và các hội đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn người dân cách tốt hơn”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN