Thiên sử vàng Ðiện Biên Phủ

01/05/2020 - 08:40

BDK - Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 66 năm đã đi vào lịch sử Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một huyền thoại, sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định sẽ thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định sẽ thành công”.

Hình ảnh được in trong “Thiên sử vàng Điện Biên Phủ”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm của cuộc chiến 56 ngày đêm đầy gian khổ, hy sinh “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” của quân và dân Việt Nam mãi là những trang sử hào hùng, đập tan dã tâm xâm lược của đế quốc, thực dân, buộc Chính phủ Pháp ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra cho cách mạng Việt Nam trang sử mới. Đồng thời là một sự kiện quan trọng báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), Thư viện Nguyễn Đình Chiểu trân trọng giới thiệu quyển sách “Thiên sử vàng Điện Biên Phủ” do Nhà xuất bản Thông Tấn ấn hành năm 2018, khổ 25cm, chia làm 3 phần: Phần 1: Từ cách mạng tháng Tám đến cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Phần 2: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Phần 3: Những đổi thay trên chiến trường xưa.

Với dung lượng 186 trang, hơn 200 bức ảnh minh họa cùng những lời viết, lời bình ngắn gọn tái hiện một cách sinh động và trung thực cuộc chiến năm xưa, cuộc chiến với những nỗ lực cao nhất. Việt Nam đã huy động, dồn hết sức người, sức của, nhiều tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ… và đã có biết bao anh hùng quên mình xả thân cho cuộc kháng chiến với tên gọi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có chiều dài khoảng 20km, rộng từ 6 - 8km. Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc”… Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu, có 3 đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1, mở màn ngày 13-3-1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót xông lên lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Sau 4 ngày đêm chiến đấu, Tiểu đoàn  ngụy Thái số 3 vác cờ trắng ra hàng.

Đợt 2, diễn ra ngày 30-3-1954, đánh vào phân khu trung tâm. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, bộ đội ta phát huy nhiều cách đánh rất sáng tạo, phát triển thành phong trào “Săn Tây, bắn tỉa, diệt Pháp, đoạt dù”.

Đợt 3, diễn ra ngày 1-5-1954 và kết thúc ngày 7-5-1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Thiếu tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (GONO) bị bắt sống. Lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm của Sở Chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, là niềm tự hào dân tộc, là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân trên thế giới và của lương tri thời đại đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu mốc bằng vàng. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức”.

Đọc “Thiên sử vàng Điện Biên Phủ” để hiểu hơn về chiến trường khốc liệt năm xưa với những chiến công hiển hách của toàn dân tộc và có một Điện Biên đang ngày một thay da đổi thịt, gắn liền với sự phát triển của đất nước.

Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh. Rất mong sự đón nhận từ quý bạn đọc.

Thúy Liễu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN