Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp du lịch tại không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mekong Innovation Hub. Ảnh: Thanh Đồng
Liên kết nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước
Trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp (DN) là hướng đi quan trọng. Trong việc kết nối phát triển thị trường khoa học công nghệ (KH&CN), DN phải đóng vai trò trung tâm. Các nhà khoa học là những đối tác và cùng DN cộng sinh trong chuỗi giá trị. Hợp tác nhà trường - DN được hiểu như sự tương tác, giao dịch giữa cơ sở đào tạo với các DN để mang lại lợi ích cho các bên với phương châm: “Đào tạo - nghiên cứu - phục vụ sản xuất”.
Tuy nhiên, hiện nay, DN tiềm năng có kết quả nghiên cứu, muốn thành lập DN KH&CN cũng gặp những rào cản nhất định: Doanh thu sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN trên tổng doanh thu của DN phải đạt tỷ lệ nhất định; việc định giá kết quả nghiên cứu để giao quyền sử dụng kết quả KH&CN; năng lực chuyên môn của DN; thiếu các tổ chức trung gian để tư vấn, hỗ trợ DN. Để giải quyết khó khăn về năng lực, một số DN đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo, tổ chức KH&CN và đó cũng là xu hướng tất yếu. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích hỗ trợ hình thành không gian ươm tạo DN KH&CN, DN khởi nghiệp với sự tham gia chủ yếu của các trường đại học, cao đẳng.
Chính vì vậy, việc liên kết giữa nhà trường - nhà DN - Nhà nước là một mô hình hợp tác mới, để đưa các chính sách của Nhà nước, nhu cầu và nguồn lực của nhà trường, cơ sở nghiên cứu, nhu cầu và nguồn lực của DN gần lại với nhau là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai.
Đối với nhà trường
Cần thiết lập bộ phận chuyên trách liên kết, hợp tác với DN. Có chiến lược liên kết với DN bằng nhiều hình thức: ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo và chuyển giao công nghệ, hoặc trở thành cổ đông của những DN, hoặc mô hình DN KH&CN của nhà trường…
Tăng cường xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và các hiệp hội DN, hội doanh nhân trẻ… đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm KH&CN của sinh viên, giảng viên nhà trường đến DN. Xây dựng cơ chế để đội ngũ doanh nhân trực tiếp tham gia giảng dạy những nội dung cần thiết trong chương trình đào tạo.
Có kế hoạch tăng cường xây dựng mạng lưới cựu sinh viên, nhất là cựu sinh viên doanh nhân. Coi đây là cầu nối giữa nhà trường và DN.
Đối với doanh nghiệp
Cần nhận thức đầy đủ hơn về ích lợi cũng như xu thế tất yếu của mối liên kết nhà trường - DN. Từ đó xác định nhu cầu và đặt hàng với nhà trường về những yêu cầu trong cải tiến công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới hay đề xuất giải pháp quản lý, kinh doanh…
Có chiến lược “nuôi dưỡng”, “ươm mầm” tài năng tại các trường đại học, cao đẳng bằng các hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp…
Đối với nhà nước
Đề xuất chính sách hỗ trợ ý tưởng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN; hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất; chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước.
Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là hệ thống các trường đại học, cao đẳng, tổ chức KH&CN, DN KH&CN để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, thực tập, nghiên cứu, hoàn thiện ý tưởng sáng tạo.
Trong thời gian tới, tỉnh cần củng cố, sắp xếp lại và phát triển các tổ chức KH&CN công lập theo hướng mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những cơ sở trọng điểm để đủ sức giải quyết những nhiệm vụ KH&CN của ngành, lĩnh vực. Tập trung đầu tư xây dựng một số đơn vị hoạt động KH&CN đủ năng lực nghiên cứu, tiếp thu chuyển hóa kết quả KH&CN, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đầu tư xây dựng, tăng cường và nâng cao năng lực cho các tổ chức nghiên cứu phát triển dịch vụ KH&CN. Cần thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở đào tạo với DN để xúc tiến ươm mầm sáng tạo trong nhà trường và ươm tạo công nghệ trong DN, hỗ trợ các DN thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển trực thuộc cũng như Quỹ phát triển KH&CN của DN.
Huỳnh Cao Thọ