Thị trường cây giống tạm “lắng dịu”

16/09/2012 - 16:17

Theo các hộ sản xuất cây giống ở Chợ Lách, thị trường tiêu thụ cây giống đang từng bước lắng dịu. Hiện cây giống Chợ Lách chỉ tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một vài tỉnh lân cận, với số lượng không nhiều.

Một số loại cây giống đang được người trồng quan tâm như chôm chôm Thái, bưởi da xanh, mít siêu sớm, ổi lê Đài Loan. Giá bán ở mức ổn định, chôm chôm Thái: từ 8.500 - 12.000 đồng/cây, bưởi da xanh: 13.000 đồng/nhánh, mít siêu sớm: từ 5.000 - 6.000 đồng/cây, ổi lê Đài Loan: 6.000 đồng/nhánh chiết.

Sức tiêu thụ và giá của từng chủng loại cây giống phụ thuộc vào thị trường. Thông thường, người mua cây giống căn cứ vào giá cả trái cây trên thị trường và quyết định mua chủng loại cây tương ứng để trồng. Hiện trái xoài tứ quý bán trên thị trường với giá từ 16.000 - 20.000 đồng/kg và được nhà vườn đánh giá là trái cây “đang thịnh”. Chính vì vậy, loại cây giống này đang rất khan hiếm, và thời gian ghép phải mất 6 tháng mới xuất bán. Còn số cây ghép trước đây đã tiêu thụ hết. Cây măng cụt trồng phải mất thời gian dài mới thu hoạch và rất kén đất nên người mua ngày càng thưa thớt. Hạt ương và thuần dưỡng, với thời gian 2 năm mới bán cây giống nhưng giá chỉ 9.000 đồng/cây. Cây giống sầu riêng Ri.6 trồng cho trái chất lượng cao nhưng thị trường vẫn đang tiến đến bão hòa…  Đối với cây dừa, giá dừa khô đang nhích lên, dừa xiêm uống nước vẫn bán được giá cao nhưng dừa giống tiêu thụ vẫn chậm. Từ khi trái dừa khô rớt giá cho đến nay, người sản xuất dừa giống gặp khó khăn tìm đầu ra. Dừa xiêm lùn giá từ 30.000 - 32.000 đồng/cây, nay giảm còn 10.000 đồng/cây (loại chưa vô túi nylon), 13.000 - 15.000 đồng/cây (loại đã vô túi nylon). Giống dừa dứa nhập từ Thái Lan giá hơn 50.000 đồng/cây, nay giảm còn 40.000 đồng/cây nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm.

Nhiều hộ dân ở Chợ Lách đã gắn bó với nghề sản xuất cây giống hàng chục năm liền nhưng vẫn trăn trở khi quyết định loại cây sản xuất để bán ở vụ tiếp theo. Không ít trường hợp đầu tư vốn sản xuất một loại cây với số lượng lớn, song đến thời điểm xuất bán, thị trường tiêu thụ chậm. Cây tiêu thụ không được lại phải gánh nặng lãi vốn vay nên một số hộ đã chọn phương án ứng trước tiền của những cơ sở vốn “mạnh” để sản xuất cây giống gia công nên lợi nhuận không nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số hộ sản xuất cây giống giảm dần và chuyển sang sản xuất hoa kiểng. Theo chiều hướng này, quy luật cung - cầu tiếp tục bị phá vỡ. Khi cung vượt cầu, sản phẩm tiêu thụ chậm, người sản xuất tiếp tục gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra vẫn là định hướng mang tính căn cơ và chính sách hỗ trợ hợp lý cũng như việc tiếp cận chính sách ưu đãi dành cho làng nghề từ ngành hữu quan. Có như thế, sản phẩm cây giống, hoa kiểng của nhà vườn sản xuất ra mới đáp ứng nhu cầu của thị trường, nghề truyền thống mới ổn định và phát triển.

Mai Thy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN