Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”. 5 năm qua, phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) ở các cơ quan, đơn vị, ban chỉ huy quân sự huyện, thành phố đã từng bước đi vào nền nếp, có chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Việc triển khai phát động phong trào và kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tiến hành chu đáo. Đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức ký kết giao ước thi đua ngay từ đầu năm.
Chỉ huy đại đội Thiết giáp động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm đạt thành tích cao trước khi vào nội dung bắn theo quy định. Ảnh: Đặng Thạch
Sau khi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát động thi đua, từng cá nhân viết bản đăng ký thi đua và có danh hiệu phấn đấu cụ thể, kết hợp với bản đăng ký thi đua đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của bản thân làm cơ sở để đơn vị đối chiếu đánh giá và bình xét thi đua cuối năm. Đây là cơ sở giúp Hội đồng thi đua theo dõi và đánh giá thực chất phong trào TĐQT của đơn vị một cách chính xác, khách quan, công bằng, dân chủ hơn, qua đó tạo được lòng tin trong cán bộ, chiến sĩ, làm động lực khơi dậy phong trào thi đua (PTTĐ) trong toàn lực lượng vũ trang.
Qua 5 năm hưởng ứng phong trào TĐQT, trong lực lượng vũ trang tỉnh nhà đã xuất hiện 30 tập thể, 57 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực công tác đề nghị về trên khen thưởng các hình thức. Trong đó, tiêu biểu nhất là Trường Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mỏ Cày Bắc, Đại đội Quân y…
Để công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) thực sự là “đòn bẩy”, kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, phát huy hết khả năng của mình trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện thì cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung cơ bản sau:
Một là, lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác TĐKT trong xây dựng đơn vị. Bản chất của TĐKT không phải là sự cạnh tranh, ganh đua mà là hình thành động cơ thi đua trong sáng, lành mạnh, vì lợi ích của mọi người, của tập thể và lợi ích của đơn vị. Động cơ thi đua là lực thúc đẩy bên trong của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện PTTĐ, là tổng hòa những nhân tố tình cảm, ý chí, niềm tin với PTTĐ. Động cơ thi đua hình thành trên cơ sở giác ngộ sâu sắc về mục đích, ý nghĩa và vai trò của thi đua, thể hiện sâu sắc nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với sự lớn mạnh của đơn vị. Từ đó, duy trì nghiêm túc chế độ, nền nếp, phát huy vai trò, chức năng, hiệu quả của các ban, tổ thi đua theo đúng quy chế hoạt động.
Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị tham quan khu trưng bày sách nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Đ.Thạch
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào TĐKT. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, tạo ra sự nhất trí cao về nhận thức, tư tưởng, thống nhất hoạt động đồng bộ, nhịp nhàng của các tổ chức trong thực hiện PTTĐ. Trước hết, phải tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, coi đây là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả PTTĐ. Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp phải xác định đẩy mạnh PTTĐ là nhiệm vụ, chức trách của mình, phải nhận thức đúng vai trò quan trọng của thi đua, từ đó đề cao trách nhiệm, năng lực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện PTTĐ. Bản thân cán bộ phải gương mẫu, thực sự là đầu tàu để cổ vũ, động viên, dẫn dắt cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia PTTĐ.
Đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên xung kích vào những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm làm chuyển biến dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu của đơn vị. Nội dung, hình thức thi đua phải phù hợp với khả năng, tâm lý, nguyện vọng của tuổi trẻ.
Ba là, tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến trong PTTĐ để giáo dục, thu hút mọi người tích cực tham gia thi đua, là nghệ thuật lấy phong trào chỉ đạo phong trào phát triển thành cao trào mạnh mẽ. Qua đó, rút ra những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, bổ ích cho việc động viên, thúc đẩy PTTĐ. Việc bồi dưỡng các điển hình tiên tiến bằng nhiều biện pháp như giao nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ với động viên, khích lệ, đặt ra yêu cầu cao để họ phấn đấu rèn luyện. Tránh hiện tượng áp đặt, chủ quan cố tạo ra điển hình, khắt khe trong xây dựng điển hình hoặc đề cao quá mức.
Bốn là, tổ chức sơ kết, tổng kết, bình công, báo công và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong PTTĐ. Đây là biện pháp rất quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức thi đua nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào. Khen thưởng phải chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết, phấn khởi, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, tránh chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi.
Phát huy tốt vai trò của TĐKT sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện ở các cơ quan, đơn vị và góp phần xây dựng nhân cách người quân nhân, xây dựng, củng cố các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và tổ chức quần chúng vững mạnh toàn diện.
Công tác TĐKT là một nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị được duy trì ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Thông qua TĐKT, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thúc đẩy phong trào phát triển đi lên. |
Đại tá Lê Văn Hùng - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh