Mẹ Mai Thị Ba tại Bia căm thù được đặt ở chợ xã Phước Hiệp.
Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Ba, 93 tuổi, ngụ Ấp 6, xã Phước Hiệp xúc động trong ngày UBND xã đón bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với sự kiện này. Mẹ Ba lớn lên và lập gia đình ngay tại xã Phước Hiệp. Mẹ đã chứng kiến bao cảnh đau thương do giặc giày xéo trên quê hương. Chồng và hai con trai của mẹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc. Hiện mẹ sống với người cháu trai làm nghề chạy xe ôm đã ngoài 50 tuổi và chưa lập gia đình.
Quê hương Mỏ Cày Nam có biết bao người như mẹ Mai Thị Ba cũng xúc động khi nhớ về những năm tháng chiến tranh, nhớ về những người thân đã hy sinh. Sự kiện thảm sát 39 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước do lính thủy quân lục chiến tiến hành tại Phước Hiệp năm 1960 diễn ra trong bối cảnh địch khủng bố phong trào cách mạng của quần chúng một cách trắng trợn, tiêu biểu cho hành động man rợ phát xít của Mỹ - Diệm là Luật 10/59.
Cuộc nổi dậy Đồng khởi của nhân dân xã Phước Hiệp mà đỉnh điểm là thắng lợi sáng ngày 19-1-1960, nhân dân Phước Hiệp xông vào san bằng đồn bót và trụ sở hội đồng xã, tuyên bố giải tán tề ấp, tề xã. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Phước Hiệp hoàn toàn thắng lợi đã giáng một đòn mạnh mẽ làm cho bộ máy kiềm kẹp của địch tan vỡ từng mảng. Để cứu vãn tình thế, ngụy quyền Sài Gòn vội vã đưa quân chủ lực về Bến Tre phối hợp với bọn bảo an đánh phá, phản kích phong trào Đồng khởi.
Ngày 21-1-1960, địch đưa một tiểu đoàn thủy quân lục chiến do trung úy Ninh và trung úy Điện chỉ huy càn quét tái chiếm xã Phước Hiệp. Bọn thủy quân lục chiến ra sức càn quét, bắn giết man rợ: chặt đầu, mổ bụng, moi gan, giết chết hàng loạt người, số người chưa chết, chúng xô xuống hầm chôn sống cùng người chết. Từ khi lập đặc khu “Bình - Định - Phước” tại xã Phước Hiệp từ tháng 2 đến tháng 4-1960, chúng đã giết chết hàng trăm người. Có ngày chúng giết 39 người, chôn chung thành nhiều hầm tại chợ xã Phước Hiệp. Trong đợt thảm sát này, chúng đã sát hại nhiều chiến sĩ cách mạng đang trên đường làm nhiệm vụ.
Sau khi bọn lính thủy quân lục chiến rút khỏi xã Phước Hiệp, ngày 20-4-1960, người nhà của những nạn nhân đã khai mộ chôn tập thể, bốc những người thân đưa về an nghỉ tại quê nhà. Do vậy, những ngôi mộ tập thể ngày nay không còn nữa. Được biết, chợ xã Phước Hiệp là nơi xảy ra thảm sát nhiều nhất. Chính quyền và người dân Phước Hiệp đã dựng lên một “Bia căm thù” để tưởng nhớ những đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh.
Ngày 18-12-2020, tại buổi lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với “Sự kiện thảm sát 39 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước do lính thủy quân lục chiến tiến hành tại Phước Hiệp năm 1960”, Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Việt Thành cho rằng: “Cùng với Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi tại xã Định Thủy, di tích lịch sử đình Hội Yên tại thị trấn Mỏ Cày và di tích cấp tỉnh tại xã Phước Hiệp sẽ là địa chỉ lịch sử văn hóa, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau. UBND xã Phước Hiệp thành lập ngay Ban Quản lý di tích để cùng nhân dân trong ấp Hiệp Phước và nhân dân xã Phước Hiệp giữ gìn, trùng tu và tôn tạo di tích”.
Bài, ảnh: Phương Khê