Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 22-1-2021:

Thế giới gần 98 triệu ca bệnh; Người chết vì COVID-19 ở Mỹ nhiều hơn tử sĩ Thế chiến II

22/01/2021 - 07:05

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 604.000 ca bệnh COVID-19 và trên 15.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 98 triệu ca, trong đó trên 2,09 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 165.000 ca), Brazil (57.500 ca) và Tây Ban Nha (44.357 ca). 

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (3.548 ca), Mexico (1.539 ca) và Anh (1.290 ca). 

Khu cách ly điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi ngày 11-1. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí bioRxiv, các nhà khoa học đến từ các trường đại học và Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NICD) của Nam Phi cho biết biến thể virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại nước này có "nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt", làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vaccine.

Nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2, chứa các đột biến gien khác nhau, đã xuất hiện trong vài tuần trở lại đây, làm gia tăng lo ngại về khả năng lây nhiễm cao hơn, cũng như nguy cơ virus này có thể tránh được kháng thể sinh ra do lây nhiễm từ trước hoặc do tiêm vaccine. 

Trong bối cảnh đó, ngày 21-1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần chuẩn bị những biện pháp nghiêm ngặt hơn và tăng tốc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc đô lây lan nhanh.

Tính đến ngày 19-1, đã có khoảng 16.800 ca mắc biến thể mới ở Anh và 1.300 ca mắc ở 23 nước trong EU và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Trong khi đó, biến thể được phát hiện ở Nam Phi cũng đã xuất hiện ở 23 quốc gia với khoảng 570 ca bệnh tính đến ngày 13-1. Trong số này có 349 ca được xác nhận ở Nam Phi và 27 ca được phát hiện ở 10 quốc gia thuộc EU và EEA. 

Trước thực trạng trên, ECDC kêu gọi các nước thành viên theo dõi sát tốc độ lây nhiễm bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh để kịp thời đánh giá nguy cơ lây lan và tác động của các biến thể mới. 

Châu Mỹ

Ecuador tiếp nhận lô vaccine đầu tiên

Chuyển thi thể các bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại bệnh viện ở Guayaquil, Ecuador, ngày 6-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Ecuador thông báo đã tiếp nhận 8.000 liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng Pfizer và sẽ triển khai ngay chương trình tiêm chủng một ngày sau đó. Các bác sĩ, nhân viên bệnh viện cùng nhóm những người sống và làm việc trong các trung tâm lão khoa sẽ là những đối tượng được chủng ngừa trước tiên. 

Phát biểu tại sân bay quốc tế Quito trong lễ tiếp nhận lô vaccine trên, Phó Tổng thống María Alejandra Muñoz nhấn mạnh đối với Ecuador đây là một khởi đầu đầy hy vọng của năm 2021 với việc đảm bảo phòng ngừa cho những đối tượng dễ bị tổn thương đầu tiên. Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Juan Carlos Zevallos cho hay một phần của lô vaccine trên sẽ được chuyển tới thành phố cảng Guyaquil, một trong những vùng chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này. Ông cũng cho biết thêm vào cuối tháng 2 tới, Ecuador sẽ nhận thêm 86.000 liều, từ tháng 3 trở đi các lô vaccine tiếp theo sẽ được tiếp tục chuyển tới nước này và được phân phối theo thứ tự, trước tiên là các thành viên của quân đội, cảnh sát, các ngành chiến lược, sau đó là cho tất cả những người dân Ecuador quyết định tự nguyện tiêm phòng.  

Trước đó, Ecuador đã đàm phán mua 18 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của 3 hãng dược Pfizer, AstraZeneca và Covaxx với trị giá khoảng 200 triệu USD nhằm chủng ngừa cho 60% dân số nước này. Chương trình tiêm phòng đại trà của Ecuador dự kiến bắt đầu từ tháng 3 cho tới tháng 10 năm nay. 

Dịch COVID-19 đã khiến 236.189 người tại Ecuador mắc bệnh, trong đó 14.526 người tử vong.

Số ca tử vong ở Mỹ vượt số tử sĩ trong Thế chiến II

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Texas, Mỹ ngày 4-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới 6 giờ sáng 22-1 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 25,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 419.000 ca tử vong.

Trước đó, Đại học Johns Hopkins cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã vượt tổng số binh sĩ nước này thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới II. Số liệu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ cho thấy số lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới II chỉ là 405.399 người. 

Dân số Mỹ hiện chiếm 4% tổng dân số thế giới, song số ca tử vong do COVID-19 ở nước này cao nhất trên toàn cầu, chiếm tới 20%. 

Tỷ lệ mắc COVID-19 ở Mỹ dường như đã lên tới mức đỉnh mới. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cảnh báo số ca mắc COVID-19 ở nước này có thể sẽ tăng vọt trong những tháng tới do sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Anh. 

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân, với mục tiêu tiêm 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên ông nắm quyền. Để đạt được mục tiêu này, ông Biden có kế hoạch thúc đẩy thiết lập các trung tâm tiêm chủng mới, chuyển đổi từ các phòng tập thể dục, sân vận động và trường học, và sẽ huy động bổ sung 100.000 nhân viên y tế triển khai công tác này.

Ngay sau khi nhậm chức ngày 20-1, ông Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang. Tân Tổng thống cũng có kế hoạch đưa Mỹ gia nhập trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi tổ chức này. 

Mexico ghi nhận số ca tử vong tăng đột biến

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Toluca, Mexico ngày 8-1. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia Bắc Trung Mỹ này liên tiếp ghi nhận số ca tử vong mới theo ngày cao kỷ lục, với 1.539 ca trong ngày 20-1 và 1.584 ca vào ngày 19-1. Riêng trong ngày 20-1, nước này ghi nhận tới 20.548 ca mắc mới, gần đạt mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.  

Tới nay, Mexico đã ghi nhận gần 1,69 triệu ca mắc và hơn 144.000 ca tử vong liên quan tới COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này thấp và giới chức y tế ước tính số ca tử vong thực sự có thể lên tới gần 195.000 ca.

Các bệnh viện ở thủ đô Mexico City, tâm dịch của cả nước, đã hoạt động 89% công suất trong ngày 20-1, trong khi 61% số giường bệnh trên toàn quốc đã đều lấp đầy.

Mexico mới chỉ nhận được khoảng 750.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức), với khoảng 500.000 liều đã được tiêm cho đến nay. Quốc gia này hiện có khoảng 750.000 nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, tất cả những người này sẽ được ưu tiên tiêm hai mũi vaccine.

Châu Âu

Anh ghi nhận số ca tử vong hằng ngày cao

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Anh, một số bệnh viện đang phải căng mình đối phó với số lượng lớn bệnh nhân nhập viện do COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm mới nhất. 

Trong 24 giờ qua, Anh có thêm 1.290 ca tử vong vì COVID-19. Trước đó, trong ngày 20-1, Anh có thêm tới 1.820 ca tử vong do COVID-19, phá vỡ kỷ lục buồn ghi nhận trước đó một ngày. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Anh đã tăng gần 15% trong tuần qua, do tỷ lệ lây nhiễm tăng cao trong cả tháng 12 dẫn đến số ca nhập viện và tử vong gia tăng. 

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ quan ngại về các số liệu mà ông cho là "kinh khủng" nói trên. Ông đồng thời cảnh báo tình hình có thể sẽ tiếp tục xấu đi do nước Anh đang chứng kiến những hậu quả của làn sóng lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bùng phát ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh vừa qua. 

Sau khi tạm nới lỏng các hạn chế đối với hầu hết các vùng trên cả nước vào dịp Giáng sinh, đầu tháng này, Thủ tướng Johnson đã áp đặt một đợt phong tỏa mới đồng thời thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 để sớm đưa nước này trở lại bình thường. Kể từ khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai vào đầu tháng 12-2020, đến nay hơn 4 triệu người ở Anh đã được tiêm vaccine. Chính phủ Anh đặt mục tiêu đến mùa Thu tới có thể tiêm phòng cho tất cả người trưởng thành ở nước này.

Nga: Moskva thông báo nới lỏng nhiều biện pháp chống dịch

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 15-1. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 21-1, Thị trưởng thủ đô Moska của Nga, ông Sergei Sobyanin đã thông báo nới lỏng "đáng kể" các biện pháp chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, viện dẫn thành công đạt được trong chiến dịch tiêm phòng.

Theo quy định mới, từ ngày 22-1, Moskva sẽ mở lại các viện bảo tàng và hiệu sách, trong khi các rạp hát và rạp chiếu phim được phép đón nhiều khán giả hơn. Các trường học phổ thông, trường thể thao và các câu lạc bộ của trẻ em sẽ được nối lại hoạt động trực tiếp, trong khi sinh viên đại học sẽ tiếp tục học từ xa. Tuy nhiên, các quán rượu và nhà hàng tiếp tục phải đóng cửa từ 23h00 và các công ty cần đảm bảo ít nhất 30% nhân viên làm việc tại nhà. Người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính được khuyến cáo ở trong nhà.

Trong tuần qua, thành phố này đã ghi nhận trung bình 2.000 - 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, giảm đáng kể so với hồi cuối tháng 12-2020. Thị trưởng Sobyanin cũng ghi nhận "tiến độ nhanh chóng" trong chiến dịch tiêm phòng, khi hơn 220.000 người trong tổng số 12 triệu dân Moskva được tiêm phòng.

Thụy Điển tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội 

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Nykoping, Thụy Điển, ngày 27-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp tình hình dịch bệnh có nhiều dấu hiệu khả quan, Thụy Điển tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, theo đó các trường phổ thông trung học sẽ duy trì việc học và giảng dạy từ xa, trong khi công chức viên chức nhà nước tiếp tục làm việc tại nhà. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã công bố quyết định trên trong cuộc họp báo ngày 21-1. 

Theo Thủ tướng Lofven, số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày đã giảm tại nhiều địa phương của nước này, song ông cho rằng tình hình dịch bệnh vẫn hết sức nghiêm trọng. 

Trong quyết định mới ban hành, chính phủ Thụy Điển cũng điều chỉnh khuyến nghị đối với các trường trung học cho phép kết hợp hình thức học tập từ xa và học trực tiếp tại lớp học, đồng thời kéo dài lệnh cấm bán rượu, bia sau 20h thêm 2 tuần. 

Tính đến nay, Thụy Điển ghi nhận gần 542.952 ca nhiễm và gần 10.921 ca tử vong do COVID-19. 

Đức không loại trừ khả năng đóng cửa biên giới

Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 23-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đức, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun cho rằng nước này có thể phải đóng cửa biên giới nếu các nước láng giềng không hành động nhằm khống chế dịch bệnh. 

Trả lời kênh truyền hình ARD, ông Braun nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải khống chế số ca nhiễm mới bởi chỉ có như vậy, các nước mới có thể phòng ngừa biến thể mới dễ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.     

Ông cho rằng vấn đề nguy hiểm ở chỗ khi số ca nhiễm ở một nước tăng, biến thể của SARS-CoV-2 theo đó sẽ lây lan và chiếm số đông trong các ca nhiễm mới, sau đó số ca lây nhiễm biến thể này có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Do vậy, việc áp đặt các quy định nhập cảnh nghiêm ngặt hơn là điều khó tránh khỏi. Ông khẳng định đây là điều mà mọi người đều không mong muốn, do đó các nước cần phối hợp hành động để khống chế dịch bệnh. 

Tổng số ca nhiễm tại Đức đã lên tới trên 2,1 triệu ca, nhiều thứ 10 thế giới. 

Châu Á

Indonesia ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 7-1. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 21-1, Indonesia ghi nhận 346 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là lần thứ 2 trong tuần, Indonesia ghi nhận số ca tử vong ở mức cao nhất trong 1 ngày.

Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 27.203 ca nhiễm mới. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 951.651 ca mắc COVID-19, trong đó có 27.203 trường hợp tử vong.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới và tử vong tại Indonesia liên tục tăng cao, làm dấy lên quan ngại các bệnh viện của nước này có thể quá tải và sụp đổ trong những ngày tới. Thống kê cho thấy, số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện hiện đã chiếm tới 87% công suất, trong khi số giường tại khoa hồi sức tích cực chiếm 82%.

Trước tình hình trên, Indonesia đã quyết định gia hạn thời gian thực thi lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại hai đảo Java và Bali từ ngày 26-1-8-2. 

Số ca nhiễm tại Tokyo (Nhật Bản) vượt 30.000 trong chưa đầy 1 tháng

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 9-1. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 21-1, giới chức thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo tính từ đầu tháng 1 tới nay, số ca nhiễm mới COVID-19 đã vượt 30.000 ca.

Trong 24 giờ qua, thủ đô Tokyo có thêm 1.471 ca nhiễm. Kể từ khi bước sang tháng 1-2021, mỗi ngày số ca nhiễm tại Tokyo hầu như đều tăng ở mức 4 con số. Kể từ ngày 1-1 đến nay, số ca nhiễm tại Tokyo hiện là 30.482 ca, trong khi tổng số ca nhiễm từ trước tới nay là 90.659 ca.

Số ca nhiễm không ngừng tăng đã làm dấy lên quan ngại hệ thống y tế của Nhật Bản có thể sụp đổ, với số người tử vong tại nhà gia tăng đáng kể.

Nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, ngày 7-1, Thủ tướng Suga Yoshihide đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng tại thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, sau đó nâng lên thành 7 tỉnh, thành. Theo lệnh tình trạng khẩn cấp, người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết và các nhà hàng phải rút ngắn thời gian mở cửa.

Trung Quốc lập 458 trung tâm cách ly ở Thạch Gia Trang

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại quận Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20-1. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 21-1, giới chức địa phương cho biết tổng cộng 458 trung tâm giám sát ở thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc, đang được sử dụng cho việc cách ly tập trung. Thạch Gia Trang đang là một trong những tâm dịch COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm dịch mới tại Trung Quốc đại lục.

Phát biểu họp báo, bà Mạnh Tường Hồng, Phó Thị trưởng Thạch Gia Trang, cho biết các trường hợp mắc COVID-19 lẻ tẻ trên địa bàn thành phố đã giảm dần và hầu hết các ca mắc mới được phát hiện ở các trung tâm giám sát. Tất cả các cá nhân bị cách ly đều phải xét nghiệm axit nucleic 2 ngày một lần. Tính tới trưa 21-1, tổng cộng 34.029 người đã được cách ly tại các trung tâm trên.

Trong ngày 21-1, tỉnh Hà Bắc đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng và 4 trường hợp không có triệu chứng lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca mắc này đều ở Thạch Gia Trang.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong đang cân nhắc yêu cầu các phi hành đoàn đến trung tâm tài chính châu Á này phải cách ly 2 tuần. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn một số nguồn tin cho biết mọi phi công và cả tiếp viên hàng không đều phải cách ly tại một khách sạn nếu ở lại Hong Kong hơn 2 giờ.

Châu Phi: Tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao hơn trung bình toàn cầu

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Pretoria, Nam Phi ngày 15-1. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống y tế ở châu Phi đang gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu trang thiết bị y tế cần thiết trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chật vật đối phó với làn sóng thứ hai dịch COVID-19, đẩy tỷ lệ tử vong vượt trên mức trung bình toàn cầu.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 21-1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tới nay, "Lục địa Đen" đã ghi nhận khoảng 3,3 triệu ca mắc COVID-19 và gần 82.000 ca tử vong. Số liệu này dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số ca mắc và tử vong trên toàn cầu, song các ca mắc đã tăng trung bình 14%/tuần trong tháng 12-2020.

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên toàn châu lục hiện là 2,5% - cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,2%. Con số này chấm dứt giai đoạn tỷ lệ tử vong trung bình do COVID-19 tại châu lục này luôn thấp hơn so với phần còn lại của thế giới. Ông lưu ý: "Trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, chúng tôi bắt đầu chứng kiến điều trái ngược. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một trong những đặc điểm đáng chú ý của làn sóng thứ hai, mà chúng ta phải hãy chiến đấu hết sức có thể".

Tới nay, tổng cộng 21 quốc gia châu Phi đã ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn mức 2,2%. Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi ở Tây Sahara - một thành viên của Liên minh châu Phi (AU) - có tỷ lệ tử vong là 11,8%, tiếp theo là Sudan là 6,2%, Ai Cập là 5,5%, Liberia là 4,4% và Mali là 4%. Ông Nkengasong lưu ý sự gia tăng số ca mắc đang khiến hệ thống y tế của các nước quá tải. 

Tuần trước, AU thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và sẽ bổ sung cho số vaccine được cung cấp thông qua Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) đứng đầu. AU cũng đang đàm phán với Nga và Trung Quốc để mua thêm các liều vaccine ngừa COVID-19.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN