Thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024
27/11/2024 - 05:40
BDK.VN - Tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI vào sáng 26-11-2024, đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề về tình hình thực hiện Nghị quyết (NQ) năm 2024 của Tỉnh ủy. Đánh giá tiến độ thực hiện từng đầu việc cho thấy, nhiều chỉ tiêu được các địa phương tập trung thực hiện đạt, vượt so với NQ đề ra.
Đại biểu chủ trì thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Cẩm Trúc
Đạt vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng
Theo đánh giá chung từ đại biểu dự hội nghị, việc triển khai thực hiện NQ Tỉnh ủy năm 2024 được các cấp ủy, các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện với mục tiêu hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu (CT) NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và NQ đại hội đảng các cấp. Các CT về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiến độ đạt khá cao. Phong trào thi đua “Đồng khởi mới” tiếp tục được triển khai thực hiện; kinh tế - xã hội trong năm 2024 đã đạt được một số kết quả khá quan trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. So với CT NQ Tỉnh ủy năm 2024, ước cả năm có 18/24 CT đạt và vượt, 6/24 CT chưa đạt.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn phát biểu. Ảnh: Phạm Tuyết
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn cho biết về tiến độ thực hiện NQ năm 2024, đến nay, huyện cơ bản đạt và vượt 22/24 CT; 1 CT chưa đạt, 1 CT sẽ được đánh giá cuối năm. Về CT NQ nhiệm kỳ, có 21/30 CT thực hiện đạt và vượt, 5/30 CT đánh giá cuối nhiệm kỳ, 3/30 CT đang thực hiện tiến độ đảm bảo, 1/30 CT không đạt (kéo giảm 10% đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, tăng 22%). Huyện có 18/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện tự đánh giá đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM, đang tập trung thực hiện đảm bảo cuối năm 2024 cơ bản hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM. Huyện phấn đấu đến ngày 31-12-2024, hoàn tất hồ sơ huyện NTM trình thẩm định công nhận. Ngoài ra, huyện đang tập trung thực hiện việc tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo NQ số 1237/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Thái Bình phát biểu. Ảnh: Phạm Tuyết
Khái quát tình hình thực hiện NQ năm 2024 trên địa bàn huyện Giồng Trôm, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thái Bình cho biết, đến nay, huyện đạt 30/31 CT (19/31 CT vượt, 11/31 CT đạt); 1 CT không đạt. Đối với CT nhiệm kỳ, huyện có 20/41 CT vượt; 18/41 CT đạt; 3 CT có khả năng không đạt. Với kết quả đạt được, năm 2025, huyện quyết tâm tập trung xây dựng huyện NTM. Hiện huyện có 15/20 xã đạt chuẩn NTM. 5 xã còn lại vừa được công nhận xã an toàn khu, trong tổng số 12 xã được công nhận trên địa bàn huyện. Với những chế độ, chính sách dành cho xã an toàn khu, sẽ có thêm nguồn lực tạo điều kiện để các xã xây dựng NTM. NQ Tỉnh ủy năm 2025 đưa mục tiêu xây dựng huyện Giồng Trôm đạt chuẩn huyện NTM, đây là điều kiện quan trọng để huyện cụ thể hóa quyết tâm của huyện trong xây dựng huyện NTM. Huyện phấn đấu đến ngày 31-12-2025 hoàn thành tiêu chí huyện NTM, tiến hành các thủ tục hồ sơ để đến đầu quý I-2026 huyện được các cấp xem xét đánh giá quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM.
Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình phát biểu. Ảnh: Phạm Tuyết
Theo Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình, với những kết quả đạt được trong thực hiện NQ năm 2024 thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế, tạo đà “tăng tốc” chuẩn bị cho năm 2025 về đích trong thực hiện NQ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, Thạnh Phú có 6 CT chưa đạt, trong đó có những CT đạt thấp. Điều này cho thấy kinh tế có sự chuyển biến tốt nhưng chưa mạnh. Người dân, doanh nghiệp (DN) chưa mạnh dạn để đầu tư mới và không mở rộng sản xuất.
Sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch chuyển biến tốt nhưng dư địa chuyển biến thị trường chưa thúc đẩy sự phát triển mạnh để đạt các CT theo NQ. Phong trào thi đua “Đồng khởi mới” đã thật sự lan tỏa trên mọi lĩnh vực. “Kinh tế nông nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao được duy trì và phát triển tốt. Mô hình lúa - tôm mang lại hiệu quả cao, kinh tế người dân tham gia mô hình phát triển ổn định trung bình, khá. Giá trị sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng tốt. Thương mại điện tử phát triển năng động, lan tỏa đến từng hộ gia đình, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển ngành nghề nông thôn, nhất là các sản phẩm OCOP. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tăng. Đến nay, huyện đã thực hiện đạt và vượt 22/25 CT; 3 CT chưa đạt. Về CT nhiệm kỳ, dự báo huyện đạt, vượt 23/25 CT; 2 CT có khả năng không đạt”, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình cho biết.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng phát biểu. Ảnh: Cẩm Trúc
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,05%, vượt so với CT đề ra năm 2024. Tuy nhiên, theo Quyết định số 934/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2024 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh phải giảm từ 0,5 - 1%, tương đương giảm từ 1.000 - 2.000 hộ. Dự báo, số hộ không có khả năng thoát nghèo có thể lên tới 1,5%. Về kế hoạch năm 2025, ông Phạm Thanh Hùng cho rằng cần rà soát kỹ số hộ nghèo, hộ cận nghèo; yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để nâng cao mức sống cho những hộ không có khả năng thoát nghèo để họ có mức sống ổn định. Đặt CT năm 2025 trên 2.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhằm hoàn thành CT của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 (khoảng 3.000 lao động).
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn, vấn đề giao đất cho nhà đầu tư đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó việc tái cơ cấu nhà máy xử lý rác gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi của các quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, đề xuất các phương án nhằm rút ngắn thời gian triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Bên cạnh đó là nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các tỉnh lân cận về việc sử dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Thu ngân sách năm 2024 đạt kết quả khả quan, đến ngày 20-11-2024 đạt 5.770 tỷ đồng, vượt dự toán. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Tài chính Hồ Huy Hải, dự toán thu năm 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, do nguồn thu chủ yếu từ xổ số kiến thiết, các nguồn thu khác trên địa bàn không còn dư địa lớn. Hiện Sở Tài chính đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh để rà soát các nguồn thu, đề xuất kế hoạch thu ngân sách năm 2025 đạt và vượt dự toán giao.
Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường phát biểu. Ảnh: Cẩm Trúc
Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường cho rằng, thị trường tiêu thụ dừa trong năm qua khá tốt. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng và dịch bệnh, nhất là sâu đầu đen hại dừa còn nhiều bất cập. Hiện nay, tỉnh đã có nhiều giải pháp như sử dụng thuốc xịt để phòng trừ sâu đầu đen, tuy nhiên chưa phát huy hiệu quả và gây ảnh hưởng đến chất lượng dừa xuất khẩu. Theo đó, các cơ quan chức năng tỉnh đã nghiên cứu và phát hiện ra thiên địch của sâu đầu đen, đang triển khai phóng thích thiên địch này, nhưng còn gặp khó khăn trong việc chuyển giao cho người dân. Đồng thời, đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự liên hệ với cơ quan chuyên môn để phóng thích thiên địch này.
Điểm sáng ngành công nghiệp
Đối với hoạt động của DN trong các khu công nghiệp (KCN), Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Lê Văn Nhiên cho biết, hiện các KCN đang giải quyết việc làm cho gần 37 ngàn lao động và còn nhu cầu tuyển thêm 2.000 lao động. Trong năm, các CT như xuất nhập khẩu, nộp ngân sách, tình hình lao động đều đạt kết quả tích cực, phấn khởi. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được tập trung giải quyết như giao đất, kết nối hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ông Lê Văn Nhiên đề xuất, cần tổ chức họp với các nhà đầu tư để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các bước tiếp theo trong quá trình đầu tư.
Liên quan đến tốc độ tăng trưởng của tỉnh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Võ Thanh Sang khẳng định điểm sáng của tỉnh trong những năm qua là tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp. Tỉnh liên tục phát triển và giữ vững mức tăng trưởng trong khu vực những năm qua, cụ thể đang xếp vị trí thứ 4 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, ông nhấn mạnh việc quan tâm triển khai đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh sẽ giúp tỉnh có mức tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,45% là thấp hơn so với bình quân chung của khu vực, xếp thứ 12/13 của đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 50/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, tỉnh cũng có một số điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội như: Khu vực công nghiệp tăng trưởng 11,66%, cao hơn bình quân cả nước, đóng góp 2,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; thu ngân sách đạt 106% kế hoạch; triển khai chương trình NTM đạt kết quả tích cực.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, cần tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai trong các KCN; đẩy mạnh phát triển DN mới, vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Bên cạnh đó là triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm như: quản lý nguồn nước, cầu Rạch Miễu 2,đường ven biển, bệnh viện tỉnh… Bên cạnh thực hiện các nhóm giải pháp truyền thống về đẩy mạnh tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư, cần quan tâm các giải pháp mới về tập trung chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.
Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, theo Đại tá Lê Văn Hòa - Phó giám đốc Công an tỉnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Sắp tới, ngành tập trung chỉ đạo, bám sát các chỉ đạo của Trung ương để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, xử lý linh hoạt, hiệu quả tình hình thực tế tại các đơn vị, địa phương. Nắm chắc tình hình, dự báo chính xác, từ cơ sở để chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tập trung lực lượng, triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn trong các sự kiện lễ, Tết cuối năm. Chủ động mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, khởi động từ ngày 15-12-2024.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Đảm cho biết: Từ tháng 8-2024, phát động chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đến nay, qua phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng số hộ gia đình có nhu cầu xây dựng mới trên toàn tỉnh là 3.658 hộ. Riêng hộ người có công là 528 hộ, có nhu cầu xây dựng mới và sửa chữa. Hộ nghèo là 920 hộ, xây mới là 730 căn, sửa chữa 190 căn. Đối với hộ cận nghèo, tổng số hộ là 1.007 hộ, nhu cầu xây mới 819 căn, sửa chữa 188 căn. Riêng hộ khó khăn khác là 1.203 hộ phải xây dựng nhà ở. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã tiếp nhận từ các nguồn đăng ký của các tổ chức, cá nhân 30 tỷ đồng để xây dựng 550 căn nhà và vừa qua nhận được thông tin TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh 45 tỷ đồng. UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có văn bản gửi UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố hỗ trợ tỉnh nguồn kinh phí này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: Phạm Tuyết
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh về CT giảm nghèo từ 0,5 - 1%. Để đạt CT này, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, địa phương. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, tạo việc làm mới. Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh theo Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 6-10-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng kịp thời các quy trình công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
“Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo cần tập trung 3 việc: Lấy nông nghiệp làm nền tảng vì đây là thế mạnh của tỉnh, có sự đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trụ vững và đi lên; công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản tươi và chế biến; đột phá vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt tập trung vào công nghiệp chế biến là thế mạnh của địa phương, khai thác công nghiệp điện gió, tương lai là Hydro xanh, hoàn thành và phát huy tối đa các khu, cụm công nghiệp (Giao Long, An Hiệp, tới đây là Phú Thuận), các cụm Phong Nẫm, thị trấn Ba Tri - An Đức, Tân Thành Bình phải đưa vào hoạt động để đưa kinh tế phát triển; đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch. Sau thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024, tỉnh đã huy động thu hút đầu tư vào tỉnh trên 300 ngàn tỷ đồng là con số rất lớn. Thời gian tới cần khai thác hiệu quả nguồn lực này vào phát triển kinh tế của tỉnh. Thế mạnh của tỉnh là cây dừa, do đó cần quyết tâm bảo vệ vườn dừa của tỉnh trước sự tàn phá của dịch bệnh sâu đầu đen. Ngành nông nghiệp cần có giải pháp phòng trừ hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ và các địa phương để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ.”.