Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
28/11/2024 - 11:13
BDK.VN - Sáng 27-11-2024, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Luật Việc làm là điều rất cần thiết, đây cũng là nội dung quan trọng tác động lớn đến định hướng xây dựng chất lượng nguồn nhân lực của đất nước và cũng là một trong ba mũi đột phá mà Chính phủ đang tập trung hướng đến; đồng thời đại biểu đề xuất, góp ý hai vấn đề cụ thể cho dự án Luật Việc làm (sửa đổi) như sau:
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu thảo luận.
Vấn đề thứ nhất, về cơ sở dữ liệu về thị trường lao động được quy định tại Điều 40 đến Điều 48 của dự thảo Luật:
Đại biểu cho rằng nhiều năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực vượt khó để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng, phục vụ khá nhiều mục đích cho từng địa phương, là cơ sở để xây dựng Kế hoạch, Nghị quyết, định hướng chiến lược về nguồn nhân lực ở tầm Quốc gia, hệ thống dữ liệu này đã phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm và một số lĩnh vực khác.
Đại biểu cho rằng hệ thống dữ liệu thông tin thị trường lao động còn 3 vấn đề nổi cộm như sau:
Thứ nhất, công tác điều tra, cập nhật hằng năm còn lệ thuộc quá nhiều vào lực lượng điều tra viên. Điều này dễ gây quá tải, nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến điều tra viên, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ chính xác thông tin được thu thập.
Thứ hai, nhiều nguyên nhân dữ liệu thông tin thị trường lao động và dữ liệu do cơ quan Thống kê cung cấp trên cùng lĩnh vực có sự chênh lệch khá rõ.
Thứ ba, dữ liệu thị trường lao động được hình thành và cập nhật hằng năm, huy động nhiều nhân lực thực hiện tốn khá nhiều kinh phí, nhưng việc sử dụng dữ liệu này chỉ mới dừng lại ở phạm vi đánh giá, dự báo mà chưa thực sự sử dụng hệ thống dữ liệu này để kết nối cung - cầu lao động, định hướng nguồn nhân lực một cách hiệu quả ở từng địa phương và cả Quốc gia. Riêng lao động và người sử dụng lao động đều không sử dụng, thậm chí họ không biết dữ liệu này để làm gì.
Theo đại biểu, chủ trương phát triển về thị trường lao động và nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp với quy luật phát triển của đất nước mà cơ sở dữ liệu thị trường lao động giữ vai trò cốt yếu, góp phần chuẩn xác trong phân tích, đánh giá, dự báo nguồn cung, cầu lao động để có cơ sở định hướng cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, trong dự án Luật cần quy định yêu cầu hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về thông tin thị trường lao động chặt chẽ hơn, khắc phục những bất cập đã nhận diện từ thực tiễn trong thực hiện luật hiện nay, khẩn trương chuyển đổi từ phương pháp thực hiện đến việc ứng dụng triệt để, khai thác tài nguyên từ hệ thống dữ liệu này để phục vụ cho cung, cầu lao động nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đây, đại biểu đề xuất một số giải pháp:
(1) Hệ thống dữ liệu từ điều tra, xử lý, cung cấp thông tin, ứng dụng kết nối cung, cầu lao động cần phải sử dụng triệt để trên nền tảng số để giảm tải nguồn nhân lực điều tra, cập nhật hằng năm đến mức tối thiểu có thể.
(2) Hệ thống dữ liệu thông tin thị trường lao động và dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực cần sớm khẩn trương gắn kết với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư cũng tương tự như các lĩnh vực khác; xác định các trường dữ liệu, thời điểm cập nhật, tính liên thông, chủ thể liên thông, lộ trình liên thông về thông tin lao động và việc làm.
(3) Khẩn trương thay đổi, điều chỉnh nội dung, phương pháp thực hiện một cách hợp lý, hợp pháp, sớm khắc phục tình trạng chưa ăn khớp dữ liệu trong nhiều năm qua giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thống kê để dữ liệu về thông tin thị trường lao động chính thức là dữ liệu Quốc gia, hiện thực hóa mục tiêu nhiều năm qua Chính phủ đang hướng đến.
(4) Dữ liệu thông tin thị trường lao động phải chuyển mình từ cung cấp con số cho các cơ quan quản lý chuyển thành dữ liệu nhằm kết nối việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động, là nơi mà hệ thống các cơ sở đào tạo trong nước có thể khai thác được thông tin cung và cầu để định hướng cho đào tạo nghề, là nơi mà ở đó có đầy đủ định hướng, kể cả chính sách phát triển ngành, nghề theo từng giai đoạn, từng năm, từng vùng, thậm chí là ở các tỉnh, thành phố.
Vấn đề thứ hai là kỹ năng nghề gắn với hệ thống thị trường lao động:
Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, kỹ năng nghề sẽ là đơn vị tiền tệ quốc tế mới trong thị trường lao động tương lai bởi đã đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn. Trong bối cảnh hiện nay lực lượng lao động có kỹ năng sẽ có ý nghĩa quyết định tới năng suất lao động.
Nếu là đơn vị tiền tệ thì đều có mệnh giá, vậy có nên xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo thứ bậc hay không. Thứ bậc được xây dựng theo tiêu chuẩn nghề quốc gia cần phải tính toán đến việc doanh nghiệp thừa nhận, phải giải quyết mâu thuẫn giữa kỹ năng nghề của người lao động có và thứ doanh nghiệp cần.
Thứ bậc nghề được xây dựng phải có cập nhật, trước mắt hướng đến chuẩn nghề Asian và một số nước đang tiếp nhận nhiều lao động ở Việt Nam được luật pháp thừa nhận.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi của thế giới việc làm, thị trường lao động. Từ sự chuyển đổi này buộc cơ quan quản lý phải tăng cường giải pháp, cơ chế điều tra, giải pháp, thống kê, cập nhật nhu cầu nhân lực, có kế hoạch đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động cho phù hợp với phát triển kinh tế.
Đó là vai trò và mục tiêu hướng đến của hệ thống dữ liệu thị trường lao động hiện nay. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm, tiếp tục chỉ đạo, đánh giá, làm rõ hơn để hoàn thiện các nội dung của dự án Luật, các văn bản dưới Luật để chính sách, pháp luật về việc làm khi hoàn thiện thực sự đi vào cuộc sống.