Thảo luận tại Hội trường về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022

01/06/2023 - 19:56

BDK.VN - Chiều 1-6-2023, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về các nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự gồm: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết (NQ) số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022; Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam- Ủy viên Thường trực Ủy ban xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre: tham gia thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho rằng, công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết vẫn tiếp tục còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa thực sự kịp thời. Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.

Đại biểu lấy ví dụ các văn bản quy định chi tiết thuộc lĩnh vực do Ủy ban Xã hội phụ trách chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn ban hành. Tình trạng nợ ban hành văn bản hướng dẫn vẫn còn tồn tại như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng còn 12 nội dung, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật An toàn, vệ sinh lao động…

Theo đại biểu, việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phần nào trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng trong thực thi chính sách cho các nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng người có công với cách mạng, nhóm đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật), các nội dung bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động trong quy định tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể. “Mặc dù khó trong cân, đong, đo, đếm được những trở ngại, những thiệt thòi của việc nợ, chậm ban hành văn bản trong thời gian qua nhưng qua đó có thể thấy rằng hệ thống các văn bản ban hành chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm tắt con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân, hơn tất cả không chỉ là lãng phí mà còn là đạo đức chức nghiệp”, đại biểu nhấn mạnh.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu kiến nghị những nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các kiến nghị đã được kiến nghị tại các báo cáo giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các vấn đề được nêu trong các báo cáo thẩm tra, nội dung chất vấn, kết quả thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành đối với cử tri, để khắc phục có tính chất hệ thống hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn góp phần hoàn thiện thể chế đồng bộ tạo môi trường thuận lợi cho người dân trong tiếp cận chính sách pháp luật .

Thứ hai, Tập trung hoàn thiện nhanh các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản trị xã hội và tổ chức thực hiện một cách thực chất. Mặc khác khẩn trương xây dựng các đề án lộ trình cụ thể để thực hiện cải cách tiền lương, tạo động lực cho bộ máy hành chính, cho cán bộ, công chức, viên chức cống hiến và yên tâm công tác. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức thực thi công vụ,.

Thứ ba, cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng  nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó thăn vướng mắc trong thực tiễn.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN