Thạnh Phú nhân rộng các mô hình tôm – lúa

16/02/2022 - 06:11

BDK - Trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp nên nông dân đã quan tâm hơn đến việc đầu tư công trình nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các mô hình nuôi đa canh, đa con trên cùng đơn vị diện tích. Kinh nghiệm sản xuất ngày càng tốt hơn thông qua các lớp tập huấn, hội thảo được các cơ quan chức năng tổ chức hàng năm từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Điển hình như mô hình tôm - lúa tại huyện Thạnh Phú.

Mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực - lúa của hộ ông Trần Văn Ham (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú).

Tôm càng xanh toàn đực - lúa

Huyện Thạnh Phú có tổng diện tích nuôi tôm sú, thẻ (quảng canh cải tiến, tôm lúa, tôm rừng, tôm thâm canh) khoảng 18 ngàn ha. Sản lượng thu hoạch khoảng 17 ngàn tấn. Diện tích thả nuôi tôm - lúa ước trên 6,3 ngàn ha. Các đối tượng nuôi xen chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh. Năng suất trung bình đạt 500kg/ha. Sản lượng khoảng 3.200 tấn.

Ông Đỗ Văn Khuyên, ấp An Ninh, xã An Thuận cho biết, ông có 8.000m2 canh tác tôm - lúa. Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình ông được chọn để thực hiện mô hình trình diễn “Nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực - lúa”. Trong quá trình nuôi, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí thực hiện, gồm: 50% giống tôm càng xanh toàn đực và 50% thức ăn và chế phẩm sinh học. Trong thời gian thực hiện, tôm sinh trưởng, phát triển tốt và đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc.

Theo ông Khuyên, trước khi thả con giống nuôi, ông tiến hành tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, vét bùn đáy, đắp bờ bao chắc chắn. Sau đó, ông tiến hành bón vôi; lấy nước vào qua lưới lọc từ cống. Mực nước trong ruộng nuôi từ 0,8m; diệt tạp (dùng saponin để diệt cá tạp với liều lượng 10kg/1.000m3); dọn sạch rong tảo trên ruộng, cỏ dại xung quanh bờ. Khi thả giống cần đảm bảo ao đã được cải tạo sạch, an toàn và có trang bị giàn quạt tạo oxy cho tôm. Sau 10 ngày tiến hành gây màu nước mới tiến hành thả tôm; lựa chọn con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều. Nên cho tôm ăn 2 lần/ngày. Trong quá trình nuôi thường xuyên bổ sung men tiêu hóa giúp tôm bắt mồi và chuyển hóa thức ăn tốt hơn, hạn chế một số bệnh về đường ruột.

Sau 5 tháng thực hiện mô hình, tôm phát triển tốt và tỷ lệ tôm sống trên 65%, kích cỡ 18,2g/con (55 con/kg). Năng suất khoảng 660kg/ha.

Về kỹ thuật ương giống, cần chuẩn bị ao ương diện tích từ 200m2 trở lên tùy theo quy mô của từng hộ. Mật độ thả ương 100 con/m2. Sử dụng thức ăn công nghiệp và cho ăn 4 lần/ngày. Định kỳ 5 - 7 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay từ 20 - 50% tùy theo màu nước và thời gian ương. Sau 1 - 2 tháng ương thì tiến hành thu hoạch chuyển sang nuôi thương phẩm.

Dự án mô hình tôm - lúa An Nhơn

Xã An Nhơn là địa bàn có diện tích nuôi tôm - lúa cao nhất huyện với 1.783ha. Năm 2016, xã An Nhơn thành lập tổ hợp tác lúa sạch, với 17 thành viên, diện tích 78ha. Năm 2017, xã An Nhơn thành lập Hợp tác xã lúa - tôm Thạnh Phú và duy trì phát triển. Đến nay, có 133 thành viên tham gia.

Thu hoạch lúa trong vùng nuôi tôm - lúa tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Hàng năm, hợp tác xã tổ chức đại hội thường niên và liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh như: Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư, Trường Đại học Trà Vinh, Công ty Lio Thái... tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ liên kết đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng: Năm 2021, người dân sản xuất các giống lúa chính như: OM5451, OM4900, OM6162, OC10, ST24, ST25, Đài thơm 8 và một số giống lúa mùa địa phương như: Nàng keo, Nhỏ hương, Tép trắng... Diện tích xuống giống trong vùng tôm - lúa là 6.317ha. Năng suất bình quân 4,5 tấn/ha. Sản lượng trên 28.500 tấn.

Công ty lương thực, doanh nghiệp, thương lái các nơi đến thu mua với giá từ 8.500 - 10.000 đồng/kg đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Cụ thể, Công ty Lương thực Bến Tre hợp đồng thu mua lúa tại xã An Nhơn, An Điền giống lúa OM4900, ST24, với diện tích 50ha, giá từ 8.500 - 10.500 đồng/kg. Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Hoa Nắng hợp đồng thu mua sản phẩm lúa sạch và lúa hữu cơ của nông dân xã An Nhơn giống lúa OM4900, ST24, với diện tích 50ha, giá từ 8.500 - 10.500 đồng/kg.

Trong năm 2021, xã An Nhơn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Tổ chức WWF, Công ty tập đoàn thủy sản Minh Phú, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú để khảo sát chọn khu vực triển khai thực hiện “Dự án mô hình tôm - lúa An Nhơn” thuộc ấp An Bình. Quy mô dự án gồm 18 hộ tham gia, 19 ao nuôi, với tổng diện tích 28,1ha, diện tích mặt nước thả nuôi 25,09ha.

Đến nay, Công ty tập đoàn thủy sản Minh Phú hỗ trợ tôm giống đợt 1 từ ngày 9 đến 15-1-2022, đợt 2 từ ngày 4 đến 16-4-2022. Theo dự án, Công ty tập đoàn thủy sản Minh Phú sẽ hỗ trợ người dân trong vùng dự án về con giống,  bao tiêu đầu ra sản phẩm. Các mô hình có khả năng nhân rộng tại các xã có phong trào nuôi thủy sản - lúa và nằm trong quy hoạch phát triển nuôi tôm - lúa của tỉnh.

Theo ông Huỳnh Nhật Đông - Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình tôm càng xanh toàn đực - lúa được khẳng định là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình luân canh khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau, canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Mặt khác, mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực với môi trường xung quanh. Qua đó, giữ vững và mở rộng thương hiệu “Lúa - gạo sạch Thạnh Phú” vốn đã được xây dựng trong nhiều năm, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa sạch thích ứng biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN