Thạnh Phú khôi phục và phát triển kinh tế tập thể

13/03/2023 - 05:34

BDK - Từ năm 2022 đến nay, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) dần được khôi phục và phát triển. Toàn huyện Thạnh Phú hiện có 17/20 HTX và 168 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động. Huyện đang thực hiện các bước để tiến tới thành lập Liên hiệp HTX Dừa hữu cơ Thạnh Phú - tổ chức liên hiệp HTX thí điểm đầu tiên của tỉnh.

Thạnh Phú chuẩn bị ra mắt Liên hiệp Hợp tác xã dừa hữu cơ Thạnh Phú.

Nâng chất hoạt động ban chỉ đạo

Với chủ trương tập trung phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trong năm 2022, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX huyện Thạnh Phú (viết tắt là BCĐ) và Tổ giúp việc đổi mới, phát triển KTTT, HTX huyện Thạnh Phú (theo Quyết định số 1642-QĐ/HU ngày 2-11-2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy). Điểm khác thể hiện sự quyết tâm chính trị của huyện Thạnh Phú là Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban và trực tiếp chỉ đạo công tác phát triển KTTT. Từ đó, công tác quản lý nhà nước đối với KTTT từng bước được kiện toàn và nâng cao.

Theo Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình - Trưởng BCĐ huyện, ngay từ đầu năm 2023, BCĐ huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tổ chức đại hội thường niên, đến nay đã có 10 HTX tổ chức đại hội thường niên (trong tổng số 12 HTX thuộc diện tổ chức đại hội thường niên); chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của một số HTX hoạt động yếu hoặc chậm đi vào hoạt động sau khi thành lập; kiện toàn BCĐ đổi mới, phát triển KTTT, HTX huyện Thạnh Phú.

Huyện cũng thành lập Tổ hỗ trợ các HTX trên địa bàn huyện tổ chức đại hội thường niên năm 2022. Việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển KTTT được tập trung với 7 HTX hưởng chính sách theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND và 3 HTX hưởng chính sách khuyến công, khuyến ngư. Một số HTX thực hiện được chế độ chi lương hoặc sinh hoạt phí cho người lao động.

Công tác quản lý, hỗ trợ phát triển KTTT được chú trọng, nâng chất, đã giúp hoạt động của các HTX dần được khôi phục và phát triển. Trong năm 2022 có 3 HTX được thành lập mới là HTX Nông nghiệp Hòa Lợi, HTX Nông nghiệp An Thuận và HTX Đầu tư phát triển chợ Việt Nam. Đồng thời, phát triển mới 3 sản phẩm OCOP. Có 16 HTX được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số (đăng ký hóa đơn điện tử và chữ ký số), đạt 80%.

Các HTX hoạt động ổn định đã giải quyết việc làm cho thành viên và lao động địa phương (HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, HTX Thủy sản Thạnh Lợi, HTX Vận tải thủy bộ...) thu nhập từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Những HTX còn lại thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Đồng thời, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh được UBND tỉnh chọn làm HTX điểm cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 theo Quyết định số 2454 của UBND tỉnh về việc công nhận các HTX điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2022. HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong làm HTX điểm cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025.

Tính riêng ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện có 14 HTX, trong đó có 7 HTX chuyên ngành dừa đã đi vào hoạt động ổn định với 752,81ha dừa trồng theo mô hình hữu cơ, có liên kết hợp đồng đầu vào với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Huyện đang khẩn trương các bước để ra mắt Liên hiệp HTX đầu tiên của tỉnh là HTX Dừa hữu cơ Thạnh Phú.

Bên cạnh đó, huyện có 168 THT hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP. Trong đó, tập trung vào các ngành nghề nông nghiệp như: nuôi bò, nuôi dê, nuôi gà, thủy sản, lúa, màu, dừa... Lĩnh vực phi nông nghiệp như: bó chổi, kết cườm và tổ se nhang, may gia công.

Mục tiêu, giải pháp phát triển năm 2023

Theo Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình - Trưởng BCĐ huyện, bên cạnh những nỗ lực để tạo sự chuyển biến trong KTTT, huyện nhận định còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ngành và xã đôi lúc chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn của HTX, THT. Một số địa phương chưa quan tâm nhiều trong hỗ trợ HTX, THT.

Thạnh Phú chuẩn bị thành lập Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao huyện.

Một số HTX còn hoạt động cầm chừng, chưa đổi mới nội dung hoạt động, còn trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy tính chủ động, tích cực của ban lãnh đạo các HTX. Một vài nơi phát triển KTTT chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, còn biểu hiện chạy theo chỉ tiêu (nhất là trong xây dựng nông thôn mới), quan tâm đến số lượng mà chưa chú trọng yếu tố chất lượng, hiệu quả, từ đó dẫn đến tình trạng HTX, THT sau khi thành lập không tổ chức được hoạt động.

Mục tiêu năm 2023, huyện tập trung phát triển KTTT, HTX, THT gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, với mục tiêu các HTX tham gia công nghệ số, giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Xây dựng các liên kết giữa HTX với HTX, giữa HTX với THT và với doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế cho sự phát triển bền vững.

Nhằm đảm bảo công tác phát triển KTTT trong thời gian tới diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tốt, BCĐ huyện đã kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ tổ chức tập huấn về kỹ năng quản lý cho cán bộ HTX, đào tạo cán bộ nguồn quản lý HTX. Các sở, ngành tỉnh quan tâm hỗ trợ tìm kiếm thị trường, giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm cho các HTX, THT. Tăng cường bố trí các nguồn vốn khuyến nông - khuyến công để hỗ trợ cho các HTX, THT trên địa bàn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành tỉnh tích cực chia sẻ thông tin về hoạt động của các HTX, THT giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh và huyện, qua đó, góp phần xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị KTTT.

Năm 2023, huyện sẽ thành lập mới 4 HTX và ra mắt Liên hiệp HTX dừa hữu cơ Thạnh Phú. Phấn đấu có 15 HTX và 30% THT (theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP) hoạt động xếp loại khá, tốt. Đồng thời, thành lập mới ít nhất 10 THT theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, phát triển mới ít nhất 2 sản phẩm OCOP trong HTX, THT.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN