Thạnh Phú đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển

14/10/2020 - 22:31

BDK - Huyện Thạnh Phú có vị trí địa lý hướng Đông Nam của tỉnh, nằm giữa 2 sông Cổ Chiên và Hàm Luông, với bờ biển dài trên 26km. Huyện có khu bảo tồn thiên nhiên và hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ với diện tích trên 2.780ha (đặc dụng 2.584ha, phòng hộ 143,5ha, sản xuất 52,5ha). Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển.

Du lịch biển Cồn Bửng, Thạnh Phú thu hút đông đảo du khách đến tham quan và vui chơi. Ảnh: VP

Khai thác lợi thế

Những năm qua, huyện luôn xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá được khẳng định là tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp. Tổng diện tích nuôi thủy sản các loại 18.100ha. Sản lượng bình quân hàng năm trên 40,6 ngàn tấn, với nhiều loại vật nuôi gắn với ứng dụng các mô hình như: nuôi tôm thâm canh khoảng 3.600ha. Nuôi tôm công nghệ cao (nhiều giai đoạn) diện tích 272ha, sản lượng đạt từ 7 - 10 tấn/ha (cao gấp 3 lần so với nuôi thâm canh). Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Nuôi nghêu, sò, cua, cá các loại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khai thác thủy sản chuyển dần theo hướng đánh bắt xa bờ, với 501 tàu cá, trong đó có 59 tàu có công suất lớn, sản lượng đạt 13.200 tấn/năm. Dịch vụ hậu cần nghề cá được chú trọng đầu tư phát triển. Cảng cá Thạnh Phú đã cơ bản cung ứng các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho hoạt động khai thác và tiêu thụ các sản phẩm từ khai thác thủy sản. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 1.150 tấn/năm.

Du lịch và dịch vụ biển có những bước chuyển biến khá. Hạ tầng du lịch từng bước được chú trọng đầu tư. Các loại hình du lịch được hình thành và phát triển (du lịch sinh thái, tâm linh, homestay…). Lượng khách hàng năm trên 500 ngàn lượt người, tăng bình quân từ 25 - 35%/năm. Doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng/năm. Công tác quảng bá du lịch được tăng cường. Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển đã được công nhận khu du lịch cấp tỉnh, góp phần tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển.

Nhà máy điện gió số 5 (xã Thạnh Hải) khẩn trương hoàn thành giai đoạn 1. Ảnh: Cẩm Trúc

Với chiều dài bờ biển trên 26km, Thạnh Phú rất thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo. Hiện có 7 dự án điện gió đã được phê duyệt, trong đó 3 dự án đang triển khai (Dự án điện gió số 5 Tân Hoàn Cầu, Dự án điện gió Nexif Enerry và Dự án điện gió Thanh Phong), dự kiến đến năm 2021, sẽ vận hành và đưa vào hệ thống lưới điện quốc gia với công suất 90MW/năm. Ngoài ra, tỉnh đã cho chủ trương đầu tư trung tâm sản xuất nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) Bến Tre tại khu vực K22, xã An Nhơn. Đối với các dự án điện năng lượng mặt trời đã có nhà đầu tư đến khảo sát đầu tư và chờ xin ý kiến Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện.

Huyện hiện có khoảng 402ha xoài và trên 6.000ha lúa sạch. Hai sản phẩm này đã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Ngoài ra, có trên 1.350ha màu các loại ở các xã ven biển (rau ăn lá, dưa hấu, bắp, đậu phộng, sắn…) mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Phát triển kinh tế biển

Để tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới, Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 18-8-2020 về phát triển bền vững kinh tế biển huyện giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tạo đột phá trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, gắn với phát triển văn hóa và xây dựng con người Thạnh Phú anh hùng; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, Thạnh Phú đạt chuẩn huyện nông thôn mới và du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành trung tâm năng lượng sạch của tỉnh.

 

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, an toàn sinh học của huyện Thạnh Phú. Ảnh: VP

Về các khâu đột phá, huyện xác định: (1) Nuôi, khai thác, chế biến thủy sản; (2) Phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo; (3) Phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ biển; (4) Phát triển đô thị ven biển.

Huyện đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện tốt các chính sách, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về biển, nâng cao năng lực quản lý vùng ven biển; tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển.

Dịch chuyển từ nuôi, khai thác thủy sản truyền thống sang nuôi, khai thác ứng dụng công nghệ cao, gắn với chuỗi giá trị; tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp; mời gọi đầu tư phát triển mạnh nuôi tôm công nghệ cao, an toàn sinh học; tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu thủy sản như: cua, tôm biển, tôm càng xanh… Tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với hiệu quả hoạt động của Cảng cá Thạnh Phú; thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; tiếp tục đầu tư phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, bền vững. Khai thác có hiệu quả du lịch, dịch vụ du lịch biển, du lịch ven sông gắn với Khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển; phục hồi, tôn tạo lại các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Tăng cường thu hút đầu tư, chỉnh trang các chợ nông thôn, trung tâm thương mại, siêu thị mini.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, nhất là giao thông đường thủy, đường bộ, bến bãi, năng lượng, cấp thoát nước, xử lý rác thải... Hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án thủy lợi Nam Bến Tre; đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông 3 huyện Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú; đê bao ngăn mặn kết hợp giao thông từ cầu Cổ Chiên đến xã Bình Thạnh. Mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực như: đô thị ven biển, hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, y tế, thể thao, vui chơi giải trí...

Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với các huyện, tỉnh ven biển; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện tốt các quy định về quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển và đại dương; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Huyện tiếp tục mời gọi, hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió, năng lượng mặt trời, điện khí; thực hiện tốt công tác bổ sung quy hoạch năng lượng ở những vị trí phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái.

Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành xây dựng đô thị loại IV (thị trấn Thạnh Phú), loại V (xã Giao Thạnh và Tân Phong), xây dựng đô thị ven biển xã Thạnh Hải; mời gọi đầu tư Dự án Khu dân cư, kết hợp trung tâm thương mại Khém Thuyền, xã Giao Thạnh nhằm phát triển đô thị ven biển.

Lê Văn Khê - Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN